Điểm sáng xuất khẩu Thủ đô

29/10/2020 4:17 PM

(Chinhphu.vn) – Năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 liên tiếp gây “trở ngại” cho nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như Hà Nội nói riêng và vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Song có thể thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội vẫn tăng đáng kể. Đây chính là điểm sáng của lĩnh vực xuất khẩu Thủ đô.

Ảnh minh họa

9 tháng của năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, với nhiều giải pháp cụ thể, Thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chương trình liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm phụ trợ...

Nhờ vậy, lũy kế 9 tháng của năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng khoảng 4,25% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,11%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 5,97%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%…

Đáng chú ý, tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thương hàng hóa. Một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai quay trở lại, đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại. Song, trong bối cảnh đó, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của năm 2020 trên địa bàn Hà Nội vẫn đạt 12,14 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019 (9 tháng của năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đã tăng 16,3%).

Từ nay đến hết năm 2020, ngành Công Thương Hà Nội phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, mục tiêu này là thách thức không nhỏ với ngành Công Thương Hà Nội.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, tích cực triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình khuyến mại tập trung của thành phố để tăng sức mua, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ và hoạt động sản xuất trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Sở đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, triển khai chương trình hợp tác, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các địa phương.

“Hà Nội sẽ tích cực đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống; tổ chức triển khai có hiệu quả Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2020; hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận sàn giao dịch thương mại điện tử Amazon.com; phối hợp với Google cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến cho các doanh nghiệp”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Về công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 19 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu hết năm 2020 có 10/19 cụm công nghiệp khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đến quý II/2021, 9 cụm công nghiệp còn lại sẽ được khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 24 cụm công nghiệp mới có quyết định thành lập từ tháng 6/2020 để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; tiếp tục kêu gọi đầu tư thành lập, mở rộng 50 cụm công nghiệp trong danh mục kêu gọi đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2020-Hợp tác đầu tư và phát triển”…

Thùy Linh

Top