Điều trị thuận lợi từ bệnh án điện tử

17/04/2019 1:42 PM

(Chinhphu.vn) - Việc áp dụng bệnh án điện tử không chỉ mang lại nhiều lợi ích đối với người bệnh, mà đối với các y bác sĩ bệnh án điện tử còn giúp truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa, phòng một cách nhanh chóng, nâng cao khả năng tương tác và truyền thông giữa các bên.

Áp dụng bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích trong theo dõi, điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: Thiện Tâm

Theo Bộ Y tế, để tiến tới mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử lưu trữ suốt đời, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Vì vậy, mỗi người bệnh được cấp một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy hay có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã đưa ra lộ trình thực hiện từ năm 2019 - 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu. Giai đoạn từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải báo cáo cơ quan quản lý trực thuộc. Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử phải được hoàn thành trước ngày 31/12/2030.

Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.

 

 

Tại Hà Nội, điển hình như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh cũng như triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử được bắt đầu từ việc ứng dụng thẻ từ thông minh. Tính đến nay, bệnh viện đã cấp được 15 nghìn thẻ từ thông minh cho người dân. Hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 1,2 nghìn lượt người đến khám, chữa bệnh. Theo đó, việc ứng dụng thẻ từ thông minh giúp giảm thời gian chờ đợi cho một bệnh nhân đăng ký khám bệnh trung bình từ 30 phút xuống chỉ còn 5-10 giây. Ngoài ra, từ năm 2018, bệnh viện đã thí điểm ứng dụng nhận diện vân tay giúp quản lý tốt hồ sơ bệnh án cũng như ngăn chặn việc lạm dụng bảo hiểm y tế. Những bệnh nhân đã từng đến khám tại bệnh viện, sau khi quét vân tay thì hệ thống sẽ hiển thị các thông tin cá nhân, lịch sử khám chữa bệnh và hỗ trợ đăng ký khám.

Theo ông Nguyễn Khuyến Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trong năm 2018, bệnh viện đã được thành phố Hà Nội giao thực hiện thí điểm phần mềm mới để chuẩn bị cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Từ cuối năm 2018 đến nay, phần mềm này được triển khai thí điểm ở một số khoa như: Khoa Truyền nhiễm, khoa Nội tổng hợp và khu khám bệnh theo yêu cầu, khu khám bệnh nội tiết. Vì vậy, khi khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ dùng Ipad để cập nhật tình trạng bệnh nhân và chỉ định thay vì dùng bút ghi giấy như trước. Được biết, sau khi triển khai thí điểm, hệ thống vận hành tốt và bệnh viện sẽ triển khai chính thức. Hồ sơ bệnh án điện tử được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như họ không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, bác sĩ ra y lệnh và kê thuốc trên Ipad nên không có tình trạng bệnh nhân không thể đọc được chữ bác sĩ, bệnh viện không mất nhiều diện tích để lưu trữ hồ sơ bệnh án…

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, theo ông Đinh Công Dũng, Phó Phòng Công nghệ thông tin cho biết, từ cuối năm 2018, bệnh viện đã thực hiện thí điểm kết nối máy chụp chẩn đoán hình ảnh với hệ thống quản lý của bệnh viện. Đây là hệ thống không phim (hệ thống truyền tải dữ liệu), rồi trả kết quả trên máy tính, bác sĩ ngồi tại phòng khám có thể xem ảnh chụp của bệnh nhân và đọc kết quả chụp. Trong quá trình thử nghiệm cho thấy hệ thống vận hành tốt. Sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt, bệnh viện sẽ triển khai chụp chẩn đoán hình ảnh không in phim. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng xây dựng quy hoạch về hạ tầng công nghệ thông tin, gồm hệ thống máy chủ, máy lưu trữ và hệ thống đường truyền mạng.

Mặc dù vậy, việc ứng dụng bệnh án điện tử trên địa bàn Thành phố cũng như cả nước còn gặp nhiều khó khăn, chưa toàn diện. Như Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp điều trị dài ngày, bệnh án giấy vẫn còn và việc lưu trữ không đơn giản. Nhất là với những bệnh viện đa khoa hạng II, bệnh viện tuyến huyện, việc triển khai cần có lộ trình, kinh phí và thời gian để triển khai.

Minh Nhung

Top