Doanh nghiệp tích cực đưa hàng về vùng nông thôn, bán hàng online dịp Tết

14/01/2021 5:49 PM

(Chinhphu.vn) – Cứ mỗi dịp cận Tết, những chuyến hàng về nông thôn lại được người dân hào hứng chờ đợi. Việc tổ chức các chuyến hàng Việt về vùng nông thôn, khu công nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực; không chỉ giúp người dân tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu.

Những chuyến hàng về nông thôn luôn được người dân hào hứng chờ đợi. Ảnh: Bích Phương

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hằng năm Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân. Sản phẩm được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng bình ổn giá…

Năm 2021, nhằm đưa hàng Tết đến với người dân các huyện ngoại thành, xã miền núi, khu công nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán, theo kế hoạch, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 12 phiên chợ Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và người lao động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và 11.382 trang wesite, sàn thương mại điện tử và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.

Đánh giá về việc tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, đây là một nét đẹp của các doanh nghiệp Việt hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường.

Thị trường nông thôn được nhiều doanh nghiệp nhận định là thị trường lớn, đầy tiềm năng. Qua các phiên chợ hàng Việt, có thể thấy bên cạnh những kết quả đạt được, để “đánh thức” thị trường nông thôn phải có những giải pháp cụ thể, bài bản và lâu dài hơn.

Theo đó các phiên chợ hàng Việt cần bảo đảm về quy mô, thời gian, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong quá trình giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn và trực tiếp bán hàng, tư vấn cách bảo quản, sử dụng hàng hóa. Đồng thời, làm tốt hơn các chương trình hỗ trợ truyền thông, tiếp thị cho các sản phẩm mới, đưa các sản phẩm hàng hóa trong nước tới tay người tiêu dùng…

Tích cực bán hàng online

Thực tế cho thấy do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang online, vì vậy ngoài việc đưa hàng về nông thôn, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang đẩy mạnh triển khai hình thức bán hàng trực tuyến trong dịp Tết năm nay.

Theo Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn, để kích cầu sức mua của người tiêu dùng, Hapro đã phối hợp với Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) đẩy mạnh triển khai hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite… với chính sách giao hàng tại nhà, tận nơi và với hóa đơn mua hàng trên 500.000 đồng sẽ được miễn phí vận chuyển trong phạm vi 3km.

Tương tự, siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh triển khai mua sắm online, wesbite, ngoài ra, những khách hàng thân thiết của hệ thống này cũng có thể sử dụng điện thoại để gọi đến các siêu thị gần nhất đặt hàng và được giao miễn phí tại nhà.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, từ đầu tháng 3 đến nay, kênh mua sắm online hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường. Hệ thống siêu thị Big C triển khai dịch vụ "Gọi điện đặt hàng", giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên.

Có thể thấy, Tết là mùa “làm ăn” của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, việc tìm ra hướng đi phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh là rất cần thiết, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân và giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trước mắt.

Bích Phương

 

Top