Doanh nghiệp tìm cách vượt khó, đón cơ hội phục hồi

24/03/2020 3:31 PM

(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp dịch vụ cho biết thời điểm này cần sáng kiến để tìm cách vượt khó như: Đẩy mạnh bán hàng online, chuyển mặt hàng xuất khẩu sang tiêu thụ trong nước; cải tạo khách sạn, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ... để khắc phục khó khăn, đón cơ hội phục hồi sau dịch bệnh COVID-19.

Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội Trịnh Huy Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Gia Huy

Sáng 24/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Đảng bộ Khối doanh nghiệp và một số Tổng Công ty trên địa bàn Hà Nội.

Dịch vụ, du lịch ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh

Tại hội nghị, ý kiến của các đơn vị cho thấy, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng chưa ảnh hưởng nhiều bởi tác động của COVID-19; tuy nhiên lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là vận tải hành khách, lĩnh vực du lịch đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh.

Theo ông Trương Hải Long, Chủ tịch HĐTV TCT Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2020 doanh nghiệp triển khai hoạt động bình thường, chưa thấy tác động do dịch bệnh bởi đối với doanh nghiệp bất động sản quý 2 và 3 trong năm mới là giai đoạn phát triển... Tổng Giám đốc Tổng Công ty UDIC Nguyễn Văn Luyến cũng cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 với Tổng Công ty chưa rõ nét, chỉ mảng du học sinh và xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng tuy nhiên chỉ chiếm 1% doanh thu. Mọi ngành nghề khác của UDIC phát triển bình thường.

Đối với Vinaconex, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cho biết đơn vị có tầm hoạt động rộng ở nhiều tỉnh, ở nhiều lĩnh vực (thủy điện, xây lắp, đầu tư trong và ngoài nước) nên đánh giá thời điểm này Vinaconex chưa ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đơn vị có hệ thống giáo dục với khoảng 400 giáo viên đã chuyển sang đào tạo online.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch tình hình không khả quan, theo Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung, lĩnh vực vận tải đang là lĩnh vực bị tác động mạnh bởi dịch bệnh.

"Cả 4 lĩnh vực hoạt động của Tổng Công ty đều ảnh hưởng nặng nề như: Lĩnh vực kinh doanh vận tải xe buýt; vận tải liên tỉnh; kinh doanh các điểm, bến, bãi đỗ xe; kinh doanh đại lý ô tô", ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết.

Với lĩnh vực kinh doanh bãi đỗ bến xe lượng xe vào bến sụt giảm ảnh hưởng 40% doanh thu; lĩnh vực kinh doanh đại lý bán ô tô sụt giảm trên 50%. Đặc biệt là lĩnh vực vận tải công cộng đang có khoảng 7 nghìn lao động bị ảnh hưởng. Với việc giảm tần suất trên 1 nghìn lượt xe, Tổng Công ty đang thực hiện giãn công, giãn ca, cho nghỉ phép... để vẫn thực hiện trả lương cho người lao động.

Du lịch cũng là ngành chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Theo Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, do dịch bệnh bùng phát, đơn vị đang yêu cầu các khách sạn xây dựng và đưa vào các dịch vụ bán hàng online, tổ chức bữa ăn sạch cung cấp cho các đơn vị. Tổng Công ty đang xây dựng các chương trình cụ thể, chuyến sang đào tạo online, thực hiện cải tạo, nâng cấp khách sạn... để chuẩn bị cho thời điểm hết dịch.

Tìm cách vượt khó qua bán hàng online

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết đơn vị hoạt động ở 2 lĩnh vực: Phân phối nội địa, hệ thống Hapro mart và lĩnh vực xuất khẩu. Tuy là một trong các đơn vị chịu tác động do dịch bệnh nhưng hiện Hapro cân đối được 2 lĩnh vực hoạt động này. Còn với lĩnh vực xuất khẩu, các thị trường trọng điểm của Hapro tại Mỹ, châu Âu, ASEAN đều bị ngừng trệ.

Trong lúc này, doanh nghiệp cần sáng kiến để tìm cách vượt qua khó khăn, cụ thể Hapro đang đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng tại chỗ qua các ứng dụng hiện đại nên đang được phản hồi tốt. Hapro cũng chuyển một số mặt hàng xuất khẩu nước ngoài như gạo sang tiêu thụ tại thị trường nội địa; doanh nghiệp may mặc chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn có thể cung cấp 1 triệu khẩu trang/tháng.

Hiện hoạt động tổng thể của Hapro vẫn cân đối được ở 2 lĩnh vực. Tiếp tục sản xuất kinh doanh để bảo đảm việc làm cho người lao động; dự trữ hàng hóa, cung cấp hàng hóa, thực hiện bình ổn giá theo nhiệm vụ được Thành phố giao.

Doanh nghiệp quyết tâm kiểm soát dịch

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội, năm 2019 tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khối vẫn còn gặp khó khăn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn duy trì được kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu ước đạt trên 200.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,2 triệu đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng ủy Khối xây dựng và ban hành hướng dẫn tuyên truyền đến các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị trong Khối phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

"Các doanh nghiệp quyết tâm kiểm soát dịch không để lây lan và bảo đảm phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, ổn định đời sống người lao động", ông Nguyễn Anh Tuấn

Các doanh nghiệp trong Khối đã chung tay góp sức ủng hộ kinh phí để phòng chống dịch bệnh, điển hình như Tổng Công y CP Thiết bị Điện Việt Nam đã ủng hộ thiết bị dụng cụ y tế và tiền mặt đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương với tổng kinh phí 5 tỷ đồng; Tổng Công ty May 10, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân tập trung nhân lực và nguyên vật liệu may hàng triệu khẩu trang hoạt tính đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội và tổ chức phát miễn phí 10.000 chiếc...

Nhiều doanh nghiệp khác trong Khối đã góp phần ủng hộ về vật chất và tiền mặt nhiều tỷ đồng, với tinh thần quyết tâm kiểm soát dịch không để lây lan và bảo đảm phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống người dân.

Gia Huy-Thành Chung

Top