Độc đáo Lễ hội truyền thống làng Gia Thụy

22/03/2024 10:58 AM

(Chinhphu.vn) - Trong số những lễ hội truyền thống của vùng đất phía Bắc sông Hồng tại quận Long Biên, lễ hội của làng cổ Gia Thụy hàm chứa nhiều nét trầm tích văn hóa đẹp, thâm trầm. Cụm di tích lịch sử đình và gò mộ tổ Gia Thụy là một trong số ít di tích của quận Long Biên đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Độc đáo Lễ hội truyền thống làng Gia Thụy- Ảnh 1.

Người dân rước lễ ở Gò mộ tổ để mời các vị về đình. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Dòng họ Nguyễn 5 chi là dòng họ lớn nhất trong làng cổ Gia Thụy. Hội làng, con cháu họ Nguyễn từ khắp nơi tề tựu về đây, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân bảo trợ cho làng trong suốt chiều dài hơn 2.200 năm lập làng, lập ấp. Ông Nguyễn Gia Huấn - Trưởng tộc họ Nguyễn 5 chi, làng Gia Thụy phấn khởi cho biết, lễ hội là dịp gặp gỡ quan trọng của tất cả các thành viên trong họ tộc, nên nhiều người xa xứ đều tụ họp trở về để dâng lên đức thành hoàng làng.

Gia Thụy là một làng cổ, nay thuộc phường Gia Thụy (quận Long Biên). Quận Long Biên là một phần của huyện Gia Lâm, mới lên quận từ năm 2003. Vùng đất được coi là ngã ba nối liền Hà Nội - Bắc Ninh - Hưng Yên này là nơi lưu dấu nhiều trầm tích văn hóa. Đặc biệt phải kể đến làng Gia Thụy, nay thuộc phường Gia Thụy. Đây là ngôi làng cổ, có tuổi đời hơn 2.200 năm.

Khác với các làng, xã khác trong quận thờ thành hoàng làng là Linh Lang đại vương là một trong Tứ trấn của Thăng Long xưa, làng Gia Thụy thờ Thành hoàng riêng. Đó là tứ vị anh linh, tương truyền là người vùng đất Âu Lạc xưa, thời vua An Dương Vương, chiến đấu với quân Triệu Đà nhưng nằm ở thế yếu nên phải rút lui theo dòng sông Hồng. Đến giếng Bưởi của làng Gia Thụy, thấy không thể cầm cự, 4 ngài gieo mình xuống tuẫn tiết. Từ đó, mộ cứ đùn cao mãi lên thành gò đống. Vì thế người dân suy tôn 4 đức ngài là tứ vị anh linh, thành hoàng bảo vệ cho làng. Trong dòng chảy lịch sử văn hóa tâm linh, đình làng Gia Thụy là một trong số ít các di tích có nhân vật lịch sử thực tế chứ không phải huyền sử. 

Vì thế, cụm công trình Đình và gò mộ tổ làng Gia Thụy được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1991. Lễ hội làng tôn vinh tứ vị anh linh được tổ chức hằng năm trong 3 ngày, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch.

Ngoài thờ tứ vị anh linh ở ngôi cao nhất, bên trái đình có thờ đức Hưng Đạo đại vương.

Độc đáo Lễ hội truyền thống làng Gia Thụy- Ảnh 2.

Cư dân hành lễ ở tiền đường đình làng Gia Thụy trong Lễ hội. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Tương truyền, đức Hưng Đạo Đại Vương khi xuất quân đánh quân Nguyên Mông lần thứ nhất đã tới viếng di tích và xin các ngài phù trợ để thắng giặc. Sau trận thắng năm 1285, 4 đức ngài được Hưng Đạo Đại Vương dâng sớ đề nghị phong thần. Vua Trần Nhân Tông phong tứ vị anh linh là Thượng đẳng thần - tức là các vị thần ở ngôi vị cao nhất.

Ngoài ra, phía bên phải đình có thờ ngài Tiến sĩ. Đây là tiến sĩ Nguyễn Đình Khuê, người gốc làng Gia Thụy. Năm 670, Cụ là Đô đốc kiêm Tể tướng. Cụ có công đức xây đình, dạy dân chữ nghĩa.

Làng Gia Thụy là đất ngã ba có địa thế giao thông thuận lợi, nên đã từng được chia đôi vào năm 1964 để nhà nước dành một phần đất xây dựng sân bay Gia Lâm. Thôn xã mới có tên là Tân Thụy, cách làng Gia Thụy quốc lộ 5A và sân bay. Lễ hội năm nay còn có sự kiện đặc biệt, đó là lễ kỉ niệm 60 năm tách làng Tân Thụy. Người dân hứng khởi tham gia lễ hội làng đồng thời với việc hỗ trợ "người anh em" tổ chức lễ trọng.

Bà Nguyễn Thị Khuyến là thành viên trong đội tế. Tất bật bỏ qua cái giá lạnh trở trời của thời tiết, bà cùng đội tế thực hiện cả 2 lễ tế, ở làng Gia Thụy và làng Tân Thụy. "Công việc chuẩn bị cho lễ hội ở cả 2 làng Gia Thụy và Tân Thụy đều rất chu đáo. Chúng tôi được hỗ trợ tối đa để đóng góp công sức cho sự kiện của 2 làng. Năm nay lễ lớn, vất vả hơn nhưng chúng tôi đều mãn nguyện", bà Khuyến nói.

Ông Lương Thành Trung - Trưởng ban tổ chức lễ hội (Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thụy) cho biết, để thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch, thời gian tới, UBND phường sẽ giúp tiểu ban duy tu di tích chỉnh trang, tu sửa và tổ chức các sự kiện để khẳng định giá trị tâm linh của cụm di tích này.

Đất lề, quê thói được duy trì trọn vẹn trong không gian làng với hương ước. Dù làng đã đổi thay, nhưng là đất ngã ba nên Gia Thụy vẫn được tiếng là đất "đón khách", người nơi khác đến đây sinh cơ lập nghiệp sẽ phát triển thịnh vượng, xây dựng khối đại đoàn kết chung. Vì thế, dù đã thành phường lên quận hơn 20 năm, nhưng lễ hội vẫn được người dân gọi là "hội làng". 

PGS TS Trần Thị An - Bộ môn Di sản học - Trường Di sản và Liên ngành - ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ khi nhìn nhận về giá trị của việc tổ chức lễ hội làng: "Không có sự kiện nào vui, quy tụ được bằng lễ hộ làng. Người dân dù đi làm ăn xa cũng đều tề tựu về hội làng để gặp nhau. Đây có thể coi là cái Tết thứ hai, tết riêng của từng địa phương. Đây là sự kiện được coi là "cộng cảm - cộng mệnh" của người dân bản địa, nơi người dân cùng chung cảm xúc, cùng chung vận mệnh. Tham gia Lễ hội là cơ hội để người dân được giao lưu, có thêm động lực để cố gắng. Đó là căn cốt thúc đẩy xã hội của văn hóa".

Ý thức việc gìn giữ văn hóa làng và làng văn hóa, người dân làng Gia Thụy và phường Gia Thụy đang nỗ lực duy tu di tích và quảng bá về nét đẹp văn hóa của di tích lịch sử linh thiêng này tới đông đảo du khách và bạn bè gần xa. Người dân hy vọng trong thời gian tới, khu di tích này sẽ được công nhận là khu du lịch để phát triển du lịch cộng đồng, giúp bảo lưu những giá trị văn hóa đồng thời với việc phát triển sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.

Minh Thúy

Top