Đổi thay trên quê hương Hoài Đức

23/09/2019 4:53 PM

(Chinhphu.vn) - Diện mạo nông thôn trên quê hương Hoài Đức đã và đang có sự đổi thay rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được nâng lên đáng kể.

Đường nông thôn Hoài Đức ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Thành Nam

Có thể nói rằng, xuất phát điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) của Hoài Đức không cao hơn các huyện ngoại thành khác của Hà Nội do các nguồn lực của huyện và nhân dân còn hạn hẹp… Năm 2010, khi bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng NTM, nông nghiệp trên địa bàn còn manh mún. Qua rà soát ban đầu các chỉ tiêu tại 19 xã ở Hoài Đức, bình quân mới đạt 8,8 tiêu chí, nhưng đến năm 2017, Hoài Đức đã được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn. Đặc biệt, mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 đã đạt 11%/năm, thu nhập bình quân từ 22 triệu đồng/người/năm, đã tăng lên gần 50 triệu đồng/ người/năm, kết quả rà soát tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 0,92%...

Đáng ghi nhận, Hoài Đức đã tích cực quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích hơn 900ha, tăng gần 300 ha so với năm 2010, tập trung tại các xã: Đắc Sở, Yên Sở, Cát Quế, Song Phương, Tiền Yên, Đông La... Nhiều xã trồng cây ăn quả đặc sản như: Nhãn muộn, bưởi Quế Dương, bưởi Diễn, phật thủ… với diện tích hàng trăm héc ta, cho thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm.

Đồng thời, với 52 làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Chế biến nông sản Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Ngự Câu…; điêu khắc, sơn tạc tượng Sơn Đồng; bánh kẹo, dệt La Phù…, huyện Hoài Đức đã phát huy thế mạnh này trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.

Lấy mô hình làm điểm là xã Yên Sở, huyện đã tập trung chỉ đạo, rút kinh nghiệm đối với những đơn vị còn lại. Hoài Đức luôn xác định đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tập trung cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kiện toàn hệ thống giao thông nông thôn, đầu tư cho giáo dục, y tế, bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Từ việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao, đã góp phần tạo nguồn lực cho huyện thúc đẩy đầu tư hạ tầng. Trong 10 năm qua, 100% các tuyến đường liên xã, trục chính các thôn, ngõ xóm đã được bê tông, cứng hóa. Hầu hết các trục đường liên xã, liên thôn đã có điện chiếu sáng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hồng Trường cho biết, đầu tư cho hạ tầng là một trong những yếu tố then chốt để Hoài Đức sớm hoàn thành chương trình NTM, tạo tiền đề để huyện trở thành quận trong tương lai. Chính vì vậy trong những năm qua, Hoài Đức đã ưu tiên phát triển hạ tầng một cách đồng bộ. Cùng với đó, huyện cũng đã xây mới 18 điểm trường, cải tạo, sửa chữa nâng cấp 48 trường học với tổng kinh phí là 3.539 tỷ đồng. Đến nay, số trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện là 49/77 trường, tăng 40 trường so với năm 2010.

Một dấu ấn khác không thể không nhắc đến tại Hoài Đức là toàn bộ mạng lưới đường ống cấp nước sạch tập trung tại 20/20 xã, thị trấn và  đấu nối cấp nước đã được hoàn thành. Góp phần bổ sung nước cho khoảng 55.972 hộ dân, nâng tỷ lệ cấp nước sạch toàn huyện tăng lên khoảng 80,9%. Hiện huyện đang phấn đấu đến năm 2020, 100% người dân được cung cấp và sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, truyền nghề; tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, hệ thống các thiết chế văn hoá từ huyện đến cơ sở đáp ứng ngày càng tốt hơn, nhu cầu thụ hưởng văn hoá của nhân dân...

Trong thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở từng xã, theo hướng bền vững, phù hợp với tiêu chí lên quận góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn sản xuất với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện môi trường sống.

Hoài Đức đặt mục tiêu, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 10% đến 11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; hệ thống giao thông trên địa bàn huyện bảo đảm kết nối tới các xã, khớp nối với hạ tầng các khu đô thị và khớp nối với các quận liền kề. Trên 50% số xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa-thể thao của toàn xã; 100% số thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1% (theo tiêu chí mới).

Có thể nhận thấy, sau 10 năm xây dựng NTM, với những bước chuyển trong nông nghiệp và hạ tầng, Hoài Đức từ một huyện ven đô nay đã dần dần phát triển thành quận trong tương lai gần.

Thành Nam

Top