Đối thoại 5 nhóm vấn đề đại biểu MTTQ quan tâm

09/11/2019 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Nêu câu hỏi với Bí thư Thành ủy Hà Nội, các đại biểu MTTQ TP. Hà Nội đã tập trung vào 5 nhóm nội dung nhằm để Thủ đô phát triển: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy hoạch, xây dựng, quản lý quy trật tự đô thị; phát triển kinh tế; môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và giáo dục - đào tạo.

Đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với 200 đại biểu đại diện cho MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố. Ảnh: Gia Huy

Sáng 9/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với 200 đại biểu đại diện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố và các tổ chức thành viên.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đại biểu MTTQ

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, cuộc đối thoại là dịp để các lãnh đạo thành phố lắng nghe, trao đổi, trả lời, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô; đồng thời, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Về phát triển Đảng, nhiều đại biểu nêu câu hỏi về chủ trương phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; về tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm và thu hồi tài sản tham nhũng. Về lĩnh vực môi trường, vệ sinh ATTP và giáo dục đào tạo, các đại biểu MTTQ thành phố đề nghị cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo an ninh nguồn nước; về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, nhất là ô nhiễm bụi, tiếng ồn, ô nhiễm nước, chất thải rắn, không khí; quan tâm các giải pháp PCCC và di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư...

Liên quan đến lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu nêu câu hỏi, đề nghị thành phố làm rõ chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao; định hướng phát triển kinh tế của thành phố giai đoạn 2020-2025 và quy hoạch không gian ngầm của thành phố, phục vụ phát triển giao thông tĩnh... Đại biểu cũng nêu câu hỏi về đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến...

Về các ý kiến xung quanh nội dung xây dựng Đảng, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, khuyến khích, phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là chủ trương nhất quán, nhằm góp phần phát triển các doanh nghiệp.

Đến nay, toàn Đảng bộ thành phố đã thành lập mới 1.302 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, kết nạp trên 8 nghìn đảng viên.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố đã và đang quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các quy chế, quy trình trong xây dựng Đảng và trong quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, thường xuyên rà soát, hoàn thiện bảo đảm các quy chế, quy định chặt chẽ. Đây là nhiệm vụ quan trọng số một, vì kinh nghiệm cho thấy, những vụ việc lạm dụng quyền lực xảy ra thời gian qua chủ yếu do cán bộ không thực hiện nghiêm hoặc các quy chế, quy định còn kẽ hở.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã triển khai rất mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn. Trong đó, lần đầu tiên, thành phố đã chỉ đạo rà soát việc thực hiện hơn 2.000 kết luận thanh tra của thành phố, từ đó làm rõ trách nhiệm, đôn đốc thực hiện.

Về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, bên cạnh việc chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng phát sinh, Thành ủy cũng hết sức chú trọng khâu phòng ngừa, thông qua việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải xác định những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng để có giải pháp...

Người dân là trung tâm trong xây dựng chính quyền điện tử

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, thông qua việc tiếp xúc, đối thoại với đại biểu MTTQ, lãnh đạo thành phố đã tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ.

Trả lời câu hỏi về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh, đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định, thành phố luôn xác định người dân là trung tâm, nhân tố quyết định hiệu quả của chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Do vậy, mục đích xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh là phải bảo đảm sự hài lòng của người dân và tỷ lệ tiếp cận được các dịch vụ công trực tuyến.

"Thành phố mong muốn xây dựng một Thủ đô xứng đáng với vị thế trái tim cả nước, với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đó là một thành phố bình yên, an toàn, năng động về phát triển kinh tế, bền vững về môi trường...", Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.

Hiện nay, Thành phố đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội cũng là một trong số ít địa phương ban hành đề án xây dựng thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025 với 24 chỉ tiêu cụ thể.

Liên quan đến công tác xử lý nước thải, Bí thư Hà Nội cho rằng Thành phố còn làm chưa nghiêm và chưa tốt đối với các cơ sở sản xuất, nhà hàng,... còn tình trạng xả nước chưa qua xử lý, gây ô nhiễm các sông, hồ. Về vấn đề môi trường, Bí thư Thành ủy, Hà Nội hiện nay có trên 8 triệu dân. Do vậy, để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, trong đó có nhà ở, cấp nước, giao thông, y tế, giáo dục... là thách thức và nhiệm vụ rất lớn. Sau khi xảy ra sự cố nước sạch sông Đà, thành phố đã giao các sở, ngành đánh giá, rút kinh nghiệm, trước hết công tác thông tin phải đảm bảo cung cấp nhanh nhất, rõ ràng, mạch lạc đến người dân. Tiếp đó là công tác quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân để phát hiện các lỗ hổng, bổ sung quy định và quản lý chặt chẽ hơn.

Bí thư Thành ủy đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp từ thành phố đến cơ sở củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. 

Các ban Đảng, các sở, ngành thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về tinh gọn bộ máy, đánh giá, phân loại cán bộ; phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tầng lớp nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, gắn với chuẩn bị tốt việc tổ chức đại hội đảng các cấp. Tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về mọi mặt, nhất là quản lý các cơ sở còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng người dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương, mỗi cán bộ MTTQ sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ; gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để phản ánh đến cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ đối với các chủ trương, chính sách của Thành phố.

Hòa An

Top