Đòn bẩy giúp người dân giảm nghèo

10/10/2019 8:41 AM

(Chinhphu.vn) - Đồng hành với các nguồn vốn cho vay ưu đãi, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đã tiếp nhận và cho vay từ nguồn vốn ủy thác thông qua nhiều chương trình. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều nông dân thay đổi cuộc sống, phát triển sản xuất

Nhiều đối tượng được thụ hưởng

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, doanh số cho vay từ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách thành phố và ngân sách cấp huyện 8 tháng năm 2019 là 1.172 tỷ đồng với gần 28 nghìn lượt hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội được vay vốn.

Ước đến ngày 31/12, con số cho vay này là 1.445 tỷ đồng với hơn 35 nghìn lượt khách hàng được vay vốn từ Chi nhánh. Tổng dư nợ cho vay từ nguồn nhận ủy thác tại địa phương đến 31/8 là 2.858 tỷ đồng với hơn 81 nghìn hộ đang vay vốn, tăng 537 tỷ đồng (23%) so với năm 2018; còn ước đến 31/12 đạt 2.910 tỷ đồng sẽ có gần 83 nghìn khách hàng vay vốn, tăng 589 tỷ đồng (25%) so với năm 2018, đạt tỷ lệ 99,4 tổng nguồn vốn nhận ủy thác.

Thông qua các chương trình cho vay ưu đãi từ nguồn vốn ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Đơn cử, chương trình cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác: Doanh số cho vay đến 31/8 là 880 tỷ đồng với trên 21 nghìn lượt hộ vay vốn; ước đến 31/12 là 1.084 tỷ đồng với hơn 26 nghìn lượt hộ vay vốn, mức cho vay bình quân là 41 triệu đồng/hộ vay. Đến 31/8, dư nợ cho vay là 1.966 tỷ đồng với gần 53 nghìn hộ đang vay vốn, đạt tỷ lệ 99% trên tổng nguồn vốn cho vay; ước đến 31/12 là 2.018 tỷ đồng với gần 55 nghìn hộ vay vốn, tăng 332 tỷ đồng so với năm 2018, đạt tỷ lệ 100% trên tổng nguồn vốn cho vay. Dư nợ bình quân 1 khách hàng là 36 triệu đồng/hộ.

Chương trình cho vay ủy thác giải quyết việc làm để thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” trên địa bàn thành phố cũng được đánh giá cao. Doanh số cho vay 8 tháng năm 2019 chương trình này là 282 tỷ đồng với hơn 6 nghìn lượt hộ được vay vốn; ước đến 31/12 là 343 tỷ đồng với 8 nghìn lượt hộ được vay vốn, mức cho vay bình quân đối với 1 hộ là 43 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng so với năm 2018. Dư nợ cho vay của chương trình đến 31/8 là 750 tỷ đồng và ước đến 31/12 là 750 tỷ đồng với 20 nghìn hộ dân vay vốn, tăng 250 tỷ đồng so với năm 2018, đạt tỷ lệ 100% trên tổng nguồn vốn cho vay; dư nợ bình quân là 37 triệu đồng/hộ.

Đáng nói, nguồn vốn cho vay trong 8 tháng năm 2019 đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định cho hơn 7 nghìn lao động tại 18 huyện, thị xã, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình cho vay ủy thác cũng đang phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế nông thôn Hà Nội, như: Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến 31/8, dư nợ cho vay đạt 98 tỷ đồng với 3.906 hộ đang vay vốn. Cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, đến 31/8 là 33 tỷ đồng với 4.500 hộ vay vốn; ước đến 31/12 là 30 tỷ đồng với 4.100 hộ vay vốn. Nguồn vốn cho vay đã góp phần hỗ trợ vốn cải tạo, sửa chữa hơn 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo. Chương trình cho vay dự án bò sinh sản dư nợ đến 31/8 và ước đến 31/12 là 63 triệu đồng với 12 hộ vay vốn.

Cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố có tổng dư nợ đến 31/8 là 12 tỷ đồng với 247 hộ vay tại các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Mỹ Đức. Ước dư nợ đến 31/12 chương trình này là 14,8 tỷ đồng với 320 hộ vay, đạt tỷ lệ 100% trên tổng nguồn vốn cho vay.

Nhu cầu vay vốn khu vực nông thôn là rất lớn

Có thể khẳng định rằng, từ các chương trình ủy thác nguồn vốn ưu đãi thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, các hộ nghèo, đối tượng chính sách đã thực hiện đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình rất hiệu quả. Đây thực sự là chiếc "cần câu", là đòn bẩy giúp người dân giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng và giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cũng còn có một số khó khăn. Hằng năm, UBND thành phố và quận, huyện, thị xã đã quan tâm nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang Chi nhánh đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tuy nhiên, nhu cầu vốn vay vẫn còn rất lớn, nhất là trong thời gian tới, mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ nâng từ 50 triệu đồng/lao động lên 100 triệu đồng/lao động.

Mặt khác, thời hạn thực hiện cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ kết thúc giải ngân vào năm 2020, điều này ảnh hưởng đến nguồn vốn cho vay đối với những hộ dân chưa thực sự thoát nghèo bền vững, có khả năng lại tái nghèo. Đối với những hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo theo chuẩn thành phố và những hộ có mức sống trung bình trên địa bàn nếu không được vay vốn để ổn định sản xuất kinh doanh rất dễ dẫn đến nguy cơ tái nghèo, tái cận nghèo.

Vì vậy, cần được bố trí vốn để mở rộng đối tượng cho vay, tạo điều kiện cho hộ mới thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo chuẩn thành phố và những hộ có mức sống trung bình trên địa bàn được vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn ủy thác tại địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, nguồn vốn cho vay thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy theo Kế hoạch 188/KH-UBND của UBND thành phố là 1.000 tỷ đồng. Trong 4 năm qua (2016 - 2019), thành phố đã bố trí 750 tỷ đồng ủy thác cho vay, tuy nhiên, nhu cầu vay vốn khu vực nông nghiệp nông thôn hiện vẫn còn rất lớn.

Để hóa giải những khó khăn nêu trên, đi đôi với thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội vừa tham mưu UBND thành phố bổ sung từ ngân sách năm 2020 để cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn là 1.000 tỷ đồng. Trong đó, bổ sung 400 tỷ đồng cho vay thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy và bổ sung 600 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm đối với các đối tượng chính sách khác, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Hy vọng với sự quan tâm của thành phố bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách, nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chủ động vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống…

Huy Thành (Tổng hợp)

Top