Dồn lực ‘cán đích’ xây dựng nông thôn mới nâng cao

15/01/2019 11:02 AM

(Chinhphu.vn) - Sau 4 năm triển khai Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”, Đan Phượng đã trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội cán đích huyện nông thôn mới. Đến nay, Đan Phượng cũng đã có những xã đầu tiên “cán đích” xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đường làng tại Đan Phượng ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Thành Nam

Thời gian qua, huyện Đan Phượng đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; tập trung tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết tình trạng lao động thiếu việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Duy trì và phát triển một cụm công nghiệp tập trung với diện tích 35,8ha, 5 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 534 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút 6.200 lao động...

Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng xác định việc đầu tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho người dân hiểu rõ vai trò của mình và cộng đồng là chủ thể xây dựng nông thôn mới, lấy nội lực là căn bản, tự giác tham gia, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Lấy phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” làm mục tiêu, tổ chức thực hiện.

Song song với đó, các cơ quan quản lý ở địa phương tích cực hỗ trợ người dân từ đó tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, người dân chủ động hơn trong việc hưởng lợi từ chương trình.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho rằng, để việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu bài bản, ngoài việc triển khai đồng loạt tại các xã trên địa bàn, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng điểm ở 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung, phấn đấu cán đích năm 2018.

Đồng thời, triển khai đồng loạt xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa bàn, huyện còn tập trung xây dựng mô hình điểm ở một số xã, từ đó bổ sung kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo các xã khác, phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.

Đạt 3 xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Hà Nội

Mục tiêu xây dựng điểm ở 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung, phấn đấu cán đích năm 2018 của huyện đã trở thành hiện thực khi mới đây, Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới TP. Hà Nội, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã kiểm tra, đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tại 3 xã: Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng).

Sau khi kiểm tra thực tế và đối chiếu với các quy định hiện của Sở NN&PTNT Hà Nội về Hướng dẫn phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2020, cả 3 xã đều đáp ứng bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đủ điều kiện để đề nghị UBND TP. Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Như vậy, đến nay 3 xã của huyện Đan Phượng cũng là 3 xã đầu tiên của TP Hà Nội “cán đích” xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ba xã Song Phượng, Đan Phượng và Liên Trung được huyện Đan Phượng chọn thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2016. Sau thời gian triển khai, đến nay, cả 3 xã này đều hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn...; tập trung phát triển sản xuất, xây dựng ít nhất ở mỗi xã 1 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn mức độ 2; lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời tại các điểm vui chơi của các xã…

Các xã cũng thực hiện tốt giải pháp giảm nghèo, đáp ứng tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo bằng hoặc nhỏ hơn 1% tổng số hộ; thu nhập bình quân đạt từ 54 triệu đồng/người/năm trở lên; 100% số thôn làng, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa; trên 80% số hộ được sử dụng nước sạch; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%...

Trong thời gian tới, Đan Phượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung tổ chức lại cơ cấu sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, góp phần giải quyết tình trạng lao động thiếu việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

“Đây không chỉ là nền tảng vững chắc, mà còn là bước đệm quan trọng giúp cán bộ, người dân Đan Phượng có thêm động lực để phấn đấu trên chặng đường dài phía trước...”, ông Thắng khẳng định.

Thành Nam

Top