Đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm

09/03/2021 4:13 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thời gian qua, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai, nhưng do nhiều nguyên nhân, vấn đề ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa giảm, do đó cần kiên trì các giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng này.

Việc xây dựng các cầu vượt giúp giảm bớt ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Ảnh: Tuấn Trần/VGP

9 nguyên nhân gây ùn tắc giao thông

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay, Thành phố Hà Nội quản lý tổng số 7.160.052 phương tiện giao thông, trong đó có 6.122.936  xe máy, 167.211 xe máy điện 869.905 ô tô, chưa tính khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại thành phố Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 5,5%/năm.

Với tốc độ phát triển kinh tế của cả nước khoảng 6%/năm và thành phố Hà Nội là trên 7,5%/năm. Hiện nay tỷ lệ đất dành cho giao thông của thành phố Hà Nội khoảng 10,07%, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh mới được <1% trong khi đó theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016 đất dành cho giao thông phải đạt từ 20%-26%, trong đó giao thông tĩnh 3%-4%. 

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, với hiện trạng này, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố là điều khó tránh khỏi và dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

Trong thời gian qua UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thành lập Tổ công tác do Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Tổ trưởng cùng với Công an Thành phố, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát các điểm, nút giao thông và các tuyến đường cần cải tạo, đầu tư để tăng tính kết nối, đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời đối với những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông.

Qua rà soát, liên ngành đã xác định được 09 nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông. Cùng với nguyên nhân do quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên đây, tình trạng ùn tắc còn do nguyên nhân như xung đột giao thông tại một số các nút giao thông có mật độ giao thông cao gây ùn tắc giao thông; do đầu tư tổ chức thi công các công trình trên đường giao thôn; do một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hay chưa hoàn chỉnh dẫn đến tạo thành các nút cổ chai; do xảy ra sự cố giao thông trên các tuyến đường giao thông có mật độ giao thông cao; một số các tuyến phố giao cắt với các ngõ nhỏ, tuyến phố có nhiều đường ngang giao cắt dễ gây ùn tắc giao thông; ảnh hưởng của thời tiết khi mưa, bão gây ra tình trạng úng ngập cục bộ trên đường giao thông; các khu vực trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người cũng dề ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; do ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đi sai làn, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè, đi điền vào chỗ trống, dừng đỗ xe trái quy định…dẫn đến ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Kiên trì, đồng bộ các giải pháp để giảm ùn tắc

Theo đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên cơ sở xác định 09 nhóm nguyên nhân gây ùn tắc giao thông như trên. Liên ngành cũng đã đề ra các giải pháp khắc phục tương ứng để giải quyết ùn tắc giao thông trên một số khu vực cụ thể. Một số giải pháp đã có tác dụng thiết thực, hiệu quả giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội như: Xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông. xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, thường xuyên ùn tắc; xén vỉa hè mở rộng các nút giao; tổ chức giao thông hợp lý, cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao để hạn chế xung đột giao thông; liên tục theo dõi để có phương án điều chỉnh chu kỳ đèn giao thông hợp lý theo lưu lượng giao thông, theo thời gian trong ngày góp phần giảm ùn tắc giao thông. Cùng với đó, tăng cường lực lượng phân luồng hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm, tại vị trí các nút giao. Trong đó phân công rõ các nút giao thuộc trách nhiệm của UBND cấp quận, phường.

Thời gian qua, Hà Nội cũng đã huy động sức mạnh tổng hợp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong các dịp Lễ tết, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội; Tổng hợp thường xuyên, cung cấp thông tin cho kênh VOV Giao thông tình hình ùn tắc giao thông để người tham gia giao thông biết và phòng tránh các điểm ùn tắc giao thông.

Xây dựng bản đồ úng ngập và tổ chức phân luồng giao thông từ xa tại các điểm có khả năng xảy ra úng ngập và các vị trí đã được xác định.

Tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với các hành vi đi ngược chiều, dừng đỗ xe trái quy định cũng như tăng cường công tác xử phạt nguội qua hệ thống camera giám sát.

Với việc xác định được các nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông và triển khai thực hiện các giải pháp trên, hàng năm Hà Nội đã xử lý được từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, với mật độ phương tiện cá nhân ngày cảng tăng trong khi công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đang từng bước triển khai hoàn thiện; hệ thống vận tải hành khách công cộng thường xuyên được mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, hệ thống đường sắt đô thị đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành khai thác đưa vào sử dụng; ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến tình trạng giải quyết được điểm ùn tắc giao thông này lại phát sinh điểm ùn tắc giao thông khác.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mặc dù tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp nhưng nếu kiên trì tổ chức thực hiện quyết liệt đồng bộ và có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách và hệ thống các giải pháp đã được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành rất kịp thời và chính xác trong  thời gian tình hình ùn tắc sẽ sớm được giải quyết.

Minh Anh

Top