Đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi Thủ đô

18/01/2018 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Có thể thấy, trong năm 2017, ngành chăn nuôi Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, biến động khi chăn nuôi lợn bị rớt giá, đàn bò sữa giảm mạnh và giá sữa cũng giảm đi đáng kể. Nhưng với sự nỗ lực của ngành chăn nuôi Thủ đô cùng sự cố gắng của bà con nông dân, ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn đứng vững và thuộc tốp đầu cả nước.

Cụ thể, theo Hội Chăn nuôi Hà Nội, năm 2017, giá thịt lợn giảm từ 45.000-48.000 đồng/kg xuống còn 18.000-20.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn. Trong khi đó, đàn bò sữa giảm hơn 15 nghìn con, giá sữa cũng giảm từ 14.000 đồng/lít xuống 10.000 đồng/lít, có lúc còn giảm xuống 6.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, diễn biến của khí hậu thất thường, nắng nóng kéo dài, mưa lũ xuất hiện nhiều đã gây thiệt hại không ít cho bà con nông dân, buộc họ phải giảm đàn hoặc không tiếp tục chăn nuôi.

Chính vì vậy, để khắc phục khó khăn, ngành chăn nuôi Hà Nội đã đưa ra rất nhiều giải pháp để tháo gỡ, giúp nông dân khôi phục chăn nuôi theo hướng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn, đây cũng được xem là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi.

Về vấn đề này, theo chia sẻ của ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng những khó khăn đó lại xảy ra với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn những hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hoặc các Hợp tác xã chăn nuôi thì vẫn đứng vững do một số công ty thu mua bảo đảm về giá cho sản phẩm. Điển hình như chăn nuôi gia cầm và thịt lợn được công ty CP đầu tư rất lớn nên vẫn bảo đảm đầu ra cho các hộ chăn nuôi có liên kết. Bên cạnh đó, dù chăn nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn nhưng riêng bò thịt, dù mới sản xuất được 15% đáp ứng nhu cầu của Thủ đô còn chủ yếu nhập khẩu từ Úc, Thái Lan… nhưng việc chăn nuôi bò thịt của Hà Nội đã thu hút 22 tỉnh, thành đến học tập. Đây cũng là điểm tích cực của ngành chăn nuôi trong năm qua.

Cùng với đó, ngành chăn nuôi giữ được ổn định là nhờ một phần rất lớn vào công tác kiểm dịch, đặc biệt là trong thời điểm giá thịt lợn giảm sâu và khi Hà Nội xảy ra lũ lụt nhưng đã được các cơ quan chức năng phát hiện xử lý kịp thời.

Năm 2018 dự báo thời tiết vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đã có đợt rét đậm rét hại, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số lượng vận chuyển gia súc, gia cầm tăng, lượng ra vào thành phố là rất lớn. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, nếu không làm tốt công tác kiểm dịch thì rất dễ bùng phát dịch bệnh và ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Mặt khác, hiện nay trên địa bàn Thành phố số lượng chăn nuôi và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa được kiểm soát. Trong khi đó với xu hướng toàn cầu, nếu sản phẩm thịt gia súc gia cầm của chúng ta không bảo đảm chất lượng thì rất khó cạnh tranh được với thế giới. Ngành chăn nuôi tới đây chịu áp lực rất lớn nếu chúng ta không đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi thì sẽ không cạnh tranh được với các sản phẩm quốc tế. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được điều đó để đưa ngành chăn nuôi phát triển đúng hướng.

Để giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn, thời gian qua Hội Chăn nuôi thành phố cũng đóng vai trò hết sức quan trọng khi đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao năng suất chất lượng chăn nuôi, vận động hội viên tham gia chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm thiệt hại trong chăn nuôi và tiết kiệm chi phí. Đồng thời mở lớp tập huấn, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để giúp nông dân nuôi lợn cao sản, gia cầm chất lượng cao, loại thải bò xấu và kiến nghị công ty IDP, công ty Sữa Ba Vì tiêu thụ sữa tươi giúp người chăn nuôi.

Nhờ vậy, công ty cổ phần sữa Ba Vì đã tích cực thu mua sữa tươi cho các hộ chăn nuôi bò sữa và xây dựng thêm nhà máy chế biến để có thêm nhà máy chế biến sữa thu mua cho nông dân. Hay công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội tiếp tục thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, khảo nghiệm sản xuất tinh bò nhận định giới tính, nhân giống đàn lợn ông bà giống lợn gen nhập từ Pháp để cung cấp giống lợn chất lượng cao cho nông dân.

Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ Cổ Đông Sơn Tây, sau thời kỳ  giá thịt lợn giảm mạnh vừa qua, người chăn nuôi Hà Nội đã có sự thay đổi trong tư duy chăn nuôi khi họ không chỉ biết tới chăn nuôi mà còn quan tâm tới các dịch vụ chăn nuôi như dịch vụ vận tải chăn nuôi; thực hiện việc mua tận gốc bán tận ngọn khi mua lợn giá 25-26 của bà con nông dân lên Sơn La bán với giá 35.000 đồng/kg. Sau đó mua lợn Mán mang về Hà Nội tiêu thụ, điều này đã góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.

Để tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cũng đã phát triển 21 chuỗi liên kết chăn nuôi, triển khai ứng dụng công nghệ cao tại các cơ sở sản xuất giống, các mô hình nuôi tại vùng chăn nuôi trọng điểm tại khu dân cư. Đây chính là cơ sở để cho ngành chăn nuôi Thủ đô phát triển bền vững và là hướng đi lâu dài để hội nhập với xu hướng phát triển của thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, hiện tại chăn nuôi của Hà Nội tăng lên về số lượng nhưng giá cả tiêu thụ không ổn định. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, Hà Nội đã xây dựng được 15 xã chăn nuôi trọng điểm, 29 xã chuyển đổi ra ngoài khu dân cư. Đồng thời đã đưa ra quy hoạch chăn nuôi phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung có khả năng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo tiền đề xây dựng chuỗi giá trị trong chăn nuôi.  Cùng với đó là phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2020 hình thành các khu, trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất và giá trị từ 1,5 – 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống.

Minh Nhung

Top