Đồng hành cùng doanh nghiệp cùng phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô

14/12/2023 9:44 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội có nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; ban hành và thực hiện các kế hoạch hằng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư...

Đồng hành cùng doanh nghiệp cùng phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô- Ảnh 1.

Hà Nội luôn có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh: VGP/DA

Nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 370.000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% đã và đang đóng góp khoảng 50% GRDP trên địa bàn… Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước thực sự khẳng định vai trò doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới của đất nước.

Bình quân giai đoạn 2011-2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm. Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định 2010) đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110USD) gấp 3,5-3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697USD).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán được giao.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh, thời gian qua, Chính phủ, thành phố Hà Nội có nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với thực tế từng địa phương. Đơn cử, Hà Nội đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hằng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư...

Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng hằng năm 11,04%. So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, dù chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách Nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77 và 10,77% kim ngạch nhập khẩu.

TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, Hà Nội đang tiếp tục không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ giữa các quận, huyện, thị xã, thực hiện cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và gắn bó với Thủ đô…

Tạo đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính

Thời gian tới, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mong Thành phố tiếp tục đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, với nền công vụ hiện đại, đổi mới công tác cán bộ, công chức thực sự vì cộng đồng doanh nghiệp, vì người dân để tạo nên một bước ngoặt lớn.

Về giải pháp trong dài hạn, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nâng tầm doanh nghiệp thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển hướng, từng bước cụ thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài; tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ về vốn, tín dụng…

Đối với các chương trình công tác để hỗ trợ doanh nghiệp, Thành phố thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp và có báo cáo kết quả giải quyết các vướng mắc, kiến nghị; công tác triển khai việc hỗ trợ trực tiếp thông qua các gói hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp nên có báo cáo đánh giá hiệu quả, kết quả sau khi hỗ trợ… để thấy rõ kết quả doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, thành phố Hà Nội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo phát huy được thành quả, tạo đột phá cho sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới, đặc biệt càng khẳng định vị thế đầu tàu của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thời gian qua, Thành phố đã thực hiện hiệu quả, kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo các chính sách của Trung ương và Thành phố.

Trong đó, Thành phố đã thực hiện hỗ trợ giảm trên 750 tỷ đồng tiền thuê đất, thuê mặt nước; thực hiện giảm 12.759 tỷ đồng thuế GTGT đối với 82.458 tổ chức doanh nghiệp; thực hiện gia hạn 9.171 tỷ đồng thuế GTGT với trên 17.000 người nộp thuế;... thực hiện chương trình hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với tổng dư nợ hỗ trợ lãi suất là 114.105 tỷ đồng...

UBND TP. Hà Nội đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố do đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố là Tổ trưởng Tổ công tác. Qua các phiên họp của Tổ công tác, nhiều nội dung khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư đã được tháo gỡ, giải quyết trực tiếp;

Đồng thời tại các phiên họp, nhiều nội dung vướng mắc kéo dài qua nhiều thời kỳ chính sách khác nhau của các nhà đầu tư đã được Tổ công tác nghiêm túc lắng nghe, bước đầu đã có những phương án tháo gỡ và giao nhiệm vụ cụ thể gắn với thời hạn giải quyết đến từng Sở, ngành, đơn vị.

Trong năm 2024, UBND Thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh như thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa các hoạt động tiếp xúc, đối thoại; thực hiện hiệu quả kế hoạch nâng cao các chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Thành phố chỉ đạo Sở, ngành, các địa phương tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, xuất khẩu, phát triển thị trường thị trường trong nước và xuất khẩu gắn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, với thực hiện chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, khuyến mại tập trung, kích cầu tiêu dùng, khuyến công, ... Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu...


Diệu Anh

Top