Đồng hành cùng doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19

13/02/2021 2:25 PM

(Chinhphu.vn) – Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch COVID -19, trong năm 2020, Hà Nội đã tập trung tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Năm 2020 đã qua với đầy khó khăn và biến động do đại dịch COVID-19. Nhân dịp đầu năm mới Tân Sửu, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết về các nhóm giải pháp và những hiệu quả từ các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố Hà Nội năm vừa qua cũng như nhiệm vụ mà thành phố Hà Nội sẽ triển khai trong năm 2021.

Đứng đầu cả nước về thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện qua mạng

Thưa ông, năm 2020, đại dịch COVID- 19 đã tác động tiêu cực nặng nề tới nhóm doanh nghiệp, Hà Nội đã triển khai chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 thực hiện những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 như thế nào?

Ông Trần Ngọc Nam: Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, ngay từ đầu năm, UBND Thành phố đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ, tập trung đổi mới công tác thực hiện thủ tục hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Các sở ngành, quận huyện, thị xã đều đã xây dựng kế hoạch triển khai của ngành, lĩnh vực và địa phương mình. Các kế hoạch chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được xây dựng riêng hoặc lồng ghép trong các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ kinh tế xã hội hoặc kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính của các địa phương, đơn vị.

Cùng tới việc quyết liệt trong chỉ đạo, Hà Nội đã tăng cường đối thoại Chính quyền – Doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính. Tất cả các cấp, các ngành của Thành phố đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2020, trước bối cảnh của dịch bệnh COVID-19.

UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện thị xã triển khai tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn và trong lĩnh vực quản lý.

Trong năm 2020, Thành phố đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo Thành phố với doanh nghiệp ngày 16/04/2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ứng phó dịch COVID-19; phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 09/5/2020 nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó dịch COVID-19.

Cùng với thành phố, các Sở, Ngành cũng đã tích cực triển khai các cuộc hội nghị, hội thảo, gặp mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong năm qua, các đơn vị đã tập trung rà soát và thực hiện tốt các nhiệm vụ về tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), rà soát, thực hiện đơn giản hóa các nội dung giải quyết TTHC theo thẩm quyền. Các sở ngành, quận, huyện thực hiện niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ và thường xuyên cập nhật kịp thời các TTHC tại Bộ phận một cửa và trên Trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan; triển khai thường xuyên các nghiệp vụ về giải quyết TTHC trong lĩnh vực quản lý. Cụ thể như TTHC về đăng ký doanh nghiệp và đầu tư, Hà Nội đã hỗ trợ một cách tối đa để doanh nghiệp rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, đứng đầu cả nước về thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện qua mạng điện tử, trong đó tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt tỷ lệ 100%, đưa Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.

Thí điểm thực hiện liên thông giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn thời gian từ 20%-60%, giảm 8 ngày so với quy định.

Chủ động triển khai tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh để giảm thời gian khởi sự kinh doanh, đó là dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả TTHC đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; dịch vụ cấp biên lai điện tử; dịch vụ đăng ký dấu cho doanh nghiệp. Các dịch vụ này đã tác động tích cực đến doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020.

Về TTHC liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành tập trung rà soát, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư. Trong năm 2020, đã đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30%-50% theo quy định (chiếm tỷ lệ 67% tổng số thủ tục hành chính được rà soát); rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất xuống còn 5 ngày - 10 ngày; rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày; lĩnh vực đo đạc bản đồ giảm từ 15 ngày xuống còn 07 ngày làm việc…

Trong lĩnh vực thuế, Hà Nội tiếp tục triển khai rà soát, đánh giá tổng thể các thủ tục hành chính thuế, các quy trình, quy chế liên quan từ đó đề xuất cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình quản lý thuế, xây dựng quy chế công tác và triển khai thực hiện các nội dung theo quy định. lớn các dịch vụ công trực tuyến do ngành thuế cung cấp đạt mức độ 3,4 trong đó 150 dịch vụ công đã được tích hợp thành công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 161% kế hoạch được giao năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng đạt 98%; tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt trên 96% về số thuế; Hoàn thuế điện tử 100% trường hợp hoàn đối với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu và dự án đầu tư. Từ đầu năm 2020, người nộp thuế (NNT) thực hiện tiếp cận và thực hiện đăng ký thuế điện tử. Việc triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ NNT đã góp phần đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực thuế, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ đối với các cá nhân, tổ chức nộp thuế trên địa bàn, nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực hải quan, Hà Nội tiếp tục triển khai chính thức và bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS trên toàn Cục. Cục đã đảm bảo việc niêm yết công khai TTHC đầy đủ, hiện tại số TTHC thực hiện niêm yết công khai tại Cục Hải quan TP. Hà Nội là 130 thủ tục, trong đó: TTHC cấp Cục là 16 thủ tục; TTHC cấp Chi cục là 114 thủ tục.

Ngoài ra, TTHC trong lĩnh vực quản lý xây dựng, trong lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm cũng được cải cách, công khai, minh bạch danh mục hồ sơ, quy trình để cách chủ đầu tư và doanh nghiệp nắm bắt, phối hợp thực hiện.

Xin ông cho biết kết quả thực hiện công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong một số lĩnh vực cụ thể?

Ông Trần Ngọc Nam: Nhìn chung, trong năm vừa qua, công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được thực hiện quyết liệt ở tất cả các sở, ngành trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.  Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tích cực làm việc với các Bộ, ban, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, đồng thời chỉ đạo sâu sát các Sở, ngành và quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi tăng trưởng.

Để hỗ trợ kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, ngân hàng Nhà nước TP. Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường tư vấn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách giảm lãi suất vốn vay sâu hơn, kéo dài thời hạn giảm lãi suất; cơ cấu các khoản nợ, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và có khả năng trả nợ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động…Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả và thực chất hơn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất, kinh doanh nhằm sớm phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Các TCTD đã tích cực đẩy mạnh triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tăng 12,91%, tổng dư nợ tăng 9,58% so với ngày 31/12/2019, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 1,91%/tổng dư nợ; tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.

Thành phố cũng đã ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay đối với các dự án theo danh mục phù hợp. Ngoài ra các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo cũng được tiếp tục triển khai theo chỉ đạo của Thành phố.

Trong tất cả các lĩnh vực khác như đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực quy hoạch – xây dựng; lĩnh vực Công nghiệp - Thương mại; lĩnh vực thuế; lĩnh vực khoa học – công nghệ; lĩnh vực lao động, việc làm; lĩnh vực bảo hiểm xã hội, các sở, ngành, quận huyện cũng đã thực hiện chỉ đạo của thành phố để tạo thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp.

Thực hiện các chính sách chính sách hỗ trợ nhằm hạn chế tác động xấu của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng như đảm bảo an sinh xã hội số tiền khoảng 3.930 tỷ đồng giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, điều chỉnh mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân; khoảng 14.365 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ (8.418 tỷ đồng thuế TNDN; 4.849 tỷ đồng thuế GTGT; 1.025 tỷ đồng tiền thuê đất và 73 tỷ thuế của hộ kinh doanh).

Năm 2020, Thành phố Hà Nội đã bố trí 215.056 triệu đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể như Chương trình Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch; Chương trình khuyến công; Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học; Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; Chương trình đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV; Chương trình hỗ trợ đào tạo kiến thức điều hành (CEO) cho doanh nghiệp; Chương trình bồi dưỡng kiến thức cho các hộ kinh doanh; Chương trình liên kết hợp tác các đơn vị hỗ trợ; Chương trình  đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực do nữ làm chủ; Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án Hỗ trợ KNST…

Thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”

Thưa ông, một trong những nội dung trọng tâm trong chỉ đạo điều hành được đưa ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH 2021 là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh sản xuất kinh doanh, năm 2021 nhiệm vụ này sẽ được Thành phố triển khai như thế nào?

Ông Trần Ngọc Nam: Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 2021 là tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp.

Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không thụ động, chờ đợi doanh nghiệp đến phản ánh mới xử lý.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của Thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài.

Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 và Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường công tác tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ và ủng hộ, hợp tác trong các chương trình cải cách, hiện đại hóa giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế...

Tăng cường ứng dụng CNTT vào tất cả các khâu quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới công dân, các tổ chức, cá nhân. Chuẩn hóa, tích hợp, kết nối các nguồn dữ liệu, cơ chế trao đổi thông tin để tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác quản lý giữa các cơ quan.

Nghiên cứu, đề xuất giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế (TNCN, TNDN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu) cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.

Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thành phố cũng yêu cầu các Hiệp hội doanh nghiệp, các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn Thành phố tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp vượt thẩm quyền giải quyết thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý để kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

                             Việt Hà (thực hiện)

Top