Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó dịch Covid-19

18/02/2020 12:02 PM

(Chinhphu.vn) - Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp Thành phố chống chọi với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lo ngại thiếu nguyên liệu sản xuất nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: Thùy Linh

Doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu sản xuất

Hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn khi phía Trung Quốc đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2/2020. Cùng với đó, nếu dịch bệnh tiếp diễn trong vài tháng tới, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu, bởi các nguyên liệu sản xuất cho quý I thường được nhập khẩu trước Tết.

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn của doanh nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, trước bối cảnh dịch bệnh do Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng lo ngại sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới, đặc biệt là các ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu, cũng như thị trường xuất khẩu từ Trung Quốc như: Dệt may, cao su, nhựa, xuất khẩu nông sản…

Hiện doanh nghiệp vẫn đủ nguyên liệu duy trì hoạt động sản xuất bình thường, tuy nhiên, trong trường hợp đến cuối tháng 2 các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu vẫn chưa hoạt động trở lại và các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu không được giao nhận thì nhiều doanh nghiệp buộc phải tính đến phương án nhập nguyên liệu thay thế từ các nước khác. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, vì giá nguyên liệu từ các thị trường này cao hơn nhiều so với Trung Quốc, cộng thêm chi phí vận chuyển khá lớn và thời gian vận chuyển lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

Cũng theo bà Lan, ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19 sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi với năng lực tài chính, sản xuất còn nhiều hạn chế, đối tượng này chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp từ dịch trong tất cả các khâu từ tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn cho tái sản xuất, khả năng thanh khoản, thực hiện nghĩa vụ tài chính, huy động lao động, chi phí đầu vào…

Vấn đề hiện không đơn thuần chỉ là tháo bỏ rào cản cho doanh nghiệp, vì nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về “đầu vào” và “đầu ra” sản phẩm; bị phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc; phụ thuộc lao động (chuyên gia nước ngoài) từ thị trường này. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, bà Lan cho rằng, bên cạnh cải cách, tạo thuận lợi, giảm chi phí không cần thiết, cần thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ lãi suất, thuế, giãn nợ…

Hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm

Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố rà soát danh sách sản phẩm nông sản thực phẩm, thủy sản có nguy cơ dư cung để được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Đồng thời, giao các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm trên địa bàn thành phố hỗ trợ các tỉnh, thành phố kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Bà Lan cho biết, trong thời gian tới, theo nắm bắt của Sở Công Thương, một số sản phẩm của các địa phương vào vụ thu hoạch rộ trong tháng 3, 4 và cả năm 2020 như: Mận, chuối, nhãn, vải thiều…. Trường hợp nếu tiếp tục khó tiêu thụ do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đề xuất UBND Thành phố cho phép tổ chức các tuần hàng nông sản trong mùa vụ nông sản của các tỉnh, thành phố trong cả năm 2020; đồng thời chỉ đạo các đơn vị có sản phẩm cần kết nối, hỗ trợ tiêu thụ phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn tới các kênh phân phối.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp Thành phố, ngành Công Thương Hà Nội cũng tiếp tục nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ như tập trung rà soát, đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực trên địa bàn theo các cơ chế của Chính phủ và thành phố đã ban hành. Đồng thời, rà soát lại các quận, huyện để đạt được các chỉ tiêu thành phố giao thành lập được 30-35 cụm công nghiệp trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác quản lý điện, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình điện trên địa bàn, bảo đảm đúng quy hoạch, bảo đảm nguồn cung điện cho sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt.

Tiếp tục kêu gọi đầu tư xã hội hóa để phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, thông minh như siêu thị ảo 4.0, chợ thương mại điện tử; đưa hạ tầng chợ thương mại phát triển đồng bộ tại các quận, huyện đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân; đầu tư kêu gọi xã hội hóa phát triển và cải tạo các chợ trên địa bàn đáp ứng yêu cầu về văn minh thương mại, an toàn thực phẩm.

Đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách toàn bộ thủ tục hành chính đã được thành phố phê duyệt, bảo đảm công khai minh bạch, giảm thiểu thời gian, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp…

Thùy Linh

Top