Đồng hành cùng người lao động

15/09/2020 2:23 PM

(Chinhphu.vn) – Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lại, nhiều lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội bị mất hoặc thiếu việc làm. Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng người lao động.

Ảnh minh họa

Hà Nội hiện có hơn 173.570 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với gần 2,5 triệu lao động, trong đó tập trung ở khối sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thành phố hiện có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút 645 dự án đầu tư, với 147.200 người lao động, trong đó trên 90% là lao động ngoại tỉnh.

Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, các đơn vị doanh nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 2 bùng phát khiến các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh điêu đứng. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bị ngừng trệ, tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng gia tăng.

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Các hoạt động xuất, nhập khẩu; lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách; các lĩnh vực dịch vụ y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bị ngừng trệ, tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng tăng; gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chuỗi giá trị của Hà Nội liên quan đến các quốc gia có dịch bệnh bị ảnh hưởng trực tiếp với mức độ khá lớn. Một số các doanh nghiệp lớn ngành điện tử (FDI) ở các khu công nghiệp và chế xuất đã chịu ảnh hưởng do phụ thuộc nguồn nguyên liệu xuất nhập từ Trung Quốc như: Công ty TNHH Canon Việt Nam; Công ty TNHH Meiko Việt Nam; ngành giầy da, dệt may bị ảnh hưởng vì không có đơn hàng...

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, thời kỳ cao điểm của dịch, có tới 4.224 doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp, phải dừng hoạt động; 167.894 người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm. Ngoài ra, còn có 550 trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 30.000 giáo viên, người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, để chủ động ứng phó với các tình huống phức tạp có thể xảy ra trong quan hệ lao động, tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Ngay từ đầu tháng 3, Liên đoàn Lao động Thành phố đã xây dựng kịch bản ứng phó với tác động của dịch bệnh. Nhằm ứng phó kịp thời trước những tác động của dịch bệnh đến quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố, đặc biệt tại các khu công nghiệp và chế xuất. Cụ thể, từ nguồn ngân sách công đoàn và quỹ xã hội, các cấp công đoàn Thủ đô đã hỗ trợ gần 62.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền trên 35 tỷ đồng.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền vận động công nhân lao động thông cảm, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh.

Cùng với đó Liên đoàn Lao động Thành phố chủ động tham gia với các doanh nghiệp xây dựng, sắp xếp lại phương án sử dụng lao động và các phương án sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho người lao động.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cũng vận động đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đồng hành đồng hành, hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cơ chế chính sách cho doanh nghiệp phát triển…

Bích Phương

Top