Du lịch làng nghề: Đã có đường phát triển

22/03/2017 4:32 PM

(Chinhphu.vn) - Tuy có đến 1.300 làng nghề nhưng du lịch làng nghề của Hà Nội thực tế còn manh mún, chưa được quy hoạch đồng bộ. Nhiều làng nghề không giữ được nguyên vẹn giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, trong khi đây chính là thứ rất hấp dẫn khách du lịch quốc tế muốn trải nghiệm, khám phá nét đẹp văn hóa lâu đời của mảnh đất, con người Thăng Long - Hà Nội.

Du lịch làng nghề đã được đưa vào nhiều tour tham quan của các đơn vị du lịch tại Hà Nội trong năm 2016. Ảnh: Nguyễn Dũng

Chưa có điểm nhấn

Phát huy thế mạnh của làng nghề gắn với du lịch là câu chuyện được lãnh đạo TP.Hà Nội trăn trở suốt những năm qua và thực tế số lượng làng nghề làm du lịch tốt của Hà Nội cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, với nhiều làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch như dệt Phùng Xá, hương Xà Kiều, rèn Đa Sỹ, khảm trai Chuyên Mỹ… Nếu được khai thác tốt thế mạnh để phục vụ du lịch, chắc chắn, các làng nghề sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội thừa nhận, hầu hết các làng nghề chưa khai thác được lợi thế không gian truyền thống, các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời để phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch ở làng nghề còn yếu và thiếu.

“Các làng nghề tương đối xa trung tâm, hệ thống đường giao thông tiếp cận được vào các làng nghề thì còn nhiều bất cập. Nhiều hoạt động sản xuất của làng nghề chưa đạt tiêu chí về môi trường, sản phẩm làng nghề để làm quà tặng, hàng lưu niệm có nhưng đơn điệu, từ bao nhiêu năm nay vẫn như thế và nó chưa hoàn toàn trúng với thị hiếu của khách du lịch” – ông Mai Tiến Dũng cho biết.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: “Ngay Bát Tràng, Vạn Phúc bắt đầu lộn xộn, tình trạng đô thị hóa quá nhanh. Những làng nghề đáng lẽ phải để nguyên vẹn giá trị lịch sử của nó thì lại phá. Thứ hai là khách muốn xem tay nghề của nghệ nhân, thế hệ kế tiếp nhau cha truyền con nối như thế nào cũng không có”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự nỗ lực của một số làng nghề trong việc liên tục cải thiện điều kiện về mọi mặt, từ sản phẩm cho tới dịch vụ để làm hài lòng du khách. Đơn cử như với làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông đã tổ chức rà soát, thống kê các hộ kinh doanh, sản phẩm làng nghề tiêu biểu cũng như cơ sở phục vụ ăn uống, điểm di tích lịch sử, văn hóa để giới thiệu, quảng bá cho các doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, làng nghề còn xây dựng bộ phận hỗ trợ du khách, thuyết minh viên, thiết lập đường dây nóng, bảo đảm vệ sinh môi trường, trang trí cảnh quan và hỗ trợ các hộ sản xuất đăng ký thương hiệu.

Hay với làng nghề gốm sứ Bát Tràng, sản phẩm gốm luôn được cải tiến về mẫu mã, tạo dáng, có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế. Ngoài gốm sứ, Bát Tràng còn phát triển một số sản phẩm đặc sản ẩm thực của làng như món măng mực, xôi vò, chè kho, bánh chưng… Hơn nữa, địa phương còn khéo léo khai thác yếu tố văn hóa, tâm linh, lịch sử như các di tích Văn chỉ làng khoa bảng, đình, đền hay tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút du khách. Ông Hà Văn Lâm – Thường trực Ban Tổ chức lễ hội làng nghề Bát Tràng phấn khởi chia sẻ, không ít du khách Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan lựa chọn thời điểm diễn ra lễ hội để ghé thăm Bát Tràng thường niên. Đặc biệt, họ có nguyện vọng được đóng tiền như một người dân địa phương để tham gia trải nghiệm thụ lộc ngay tại đình sau khi các nghi lễ kết thúc…

Tín hiệu đáng mừng từ Nghị quyết 92

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch nhận định: Hà Nội có tài nguyên du lịch phong phú, nhưng nếu không có những chính sách thực sự cởi mở sẽ không thể huy động được nguồn vốn từ xã hội để đầu tư những sản phẩm du lịch chất lượng, ra tấm ra món. Và như vậy du lịch của Hà Nội vẫn mãi ở dạng tiềm năng.

“Ngay như câu chuyện để vệ sinh môi trường thành phố xanh sạch đẹp, phải có sự tham gia của cả bộ máy chính quyền cùng với bao nhiêu sở ngành khác như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Công an, Sở Giao thông vận tải… rồi văn minh đô thị. Nếu các sở ngành ở địa phương, người dân không nhận thức đúng về trách nhiệm của mình với ngành Du lịch thì không thể có môi trường du lịch lành mạnh hấp dẫn”, ông Dũng chia sẻ.

Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới được ban hành vào cuối năm 2014 đã thúc đẩy Hà Nội bước những bước đầu tiên trong việc chuyên nghiệp hóa việc du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề. Ông Mai Tiến Dũng khẳng định: “Sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ qua Nghị quyết 92 đã tạo hành lang pháp lý hết sức thuận lợi cho mỗi địa phương triển khai các chính sách phát triển du lịch. Thậm chí, tôi cho rằng Nghị quyết này còn mang đến những cải cách về chính sách du lịch vỗn dĩ lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ”.

Ông Dũng phân tích: “ Nghị quyết này không chỉ hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch mà còn hỗ trợ các cơ quan quản lý du lịch địa phương. Đây là căn cứ để chúng tôi xây dựng, đề xuất những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch căn bản, quyết định với du lịch Hà Nội, trong phạm vi thẩm quyền của Thành phố”.

Ngay trong quý I/2017 nhiều tín hiệu vui đã được nhen lên từ Nghị quyết này. Theo ông Nguyễn Khắc Hà,  Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, từ đầu năm tới nay, lượng khách du lịch đến với làng nghề Vạn Phúc tăng lên đột biến. Chỉ trong 3 ngày diễn ra hội làng (10 - 13/3 tháng Giêng), làng nghề đã đón khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Trong đó ngoài lượng khách nội địa, làng nghề còn thu hút một lượng lớn du khách quốc tế.

Hay tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm cũng có một khởi đầu khá thuận lợi khi đón lượng khách du lịch lớn trẩy hội du Xuân. Đặc biệt, lễ hội làng nghề Bát Tràng Xuân Đinh Dậu vừa diễn ra cách đây ít hôm chính là điểm nhấn quan trọng “mở hàng” cho mùa du lịch làng nghề. Thống kê của Ban Tổ chức cho thấy, riêng trong 3 ngày diễn ra lễ hội (từ ngày 11 – 13/3), mỗi ngày có khoảng 300 khách du lịch đến tham quan ở khu vực đình làng Bát Tràng, nơi diễn ra các hoạt động chính của lễ hội. Đó là chưa kể hàng trăm du khách thường xuyên ghé thăm chợ gốm. Tổng doanh số bán hàng của làng nghề Bát Tràng đạt gần 1.000 tỷ đồng năm 2016 như chứng minh cho sức hấp dẫn của làng nghề hàng ngàn năm tuổi này.

Nguyễn Dũng

Top