Đưa cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vào thực tế

02/02/2020 1:52 PM

(Chinhphu.vn) – Đúng thời điểm Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội (Vườn ươm HBI-IT) vừa tổng kết 3 năm hoạt động, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ có phỏng vấn ông Vũ Tấn Cương - Giám đốc Trung tâm Giao dịch CNTT&TT Hà Nội kiêm Trưởng ban quản lý Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội về những đóng góp của Vườn ươm trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội "bà đỡ" cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Minh Anh

Thưa ông, với vai trò là "bà đỡ" cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, 3 năm qua, Vườn ươm đã làm được gì cho các sự khởi động và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp?

Ông Vũ Tấn Cương: Hà Nội đặt trọng tâm nội dung khơi dậy và phát huy tinh thần startup, startup sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong những năm gần đây. Hiểu được nhu cầu phát triển và những khó khăn của các startup, TP. Hà Nội đã tích cực đưa ra những giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ DN như cải thiện chính sách kinh tế, lập quỹ hỗ trợ đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư từ nước ngoài, ưu đãi thuế, tối ưu hóa thủ tục kinh doanh…Cùng với đó, ban hành hàng loạt các Đề án hỗ trợ, nhằm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xứng tầm và mang bản sắc của Thủ đô.

Ngày 09/01/2017 Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội (Vườn ươm HBI-IT) được khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Sau 03 năm hoạt động, Vườn ươm đã có những thành công nhất định. Trong hoạt động ươm tạo, Vườn ươm hoàn thành 03 khóa ươm tạo với 24 dự án tốt nghiệp, là các dự án ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực: y tế, bất động sản, thương mại điện tử, vận tải, IoT, thể thao,... Các dự án khi được tiếp nhận vào Vườn ươm HBI-IT đều trải qua 3 giai đoạn ươm tạo, giai đoạn thứ nhất thúc đẩy hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp, giai đoạn thứ hai đào tạo kiến thức quản trị doanh nghiệp cơ bản và hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, giai đoạn thứ ba là hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguồn vốn và các yếu tố pháp lý.

Những sự hỗ trợ của Vườn ươm HBI-IT đối với các dự án mà chúng tôi đang thực hiện là cung cấp cơ sở vật chất và không gian làm việc chung miễn phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại tầng 8, Tòa nhà 185 Giảng Võ; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ thông qua đội ngũ các mentor giàu kinh nghiệm; hỗ trợ đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp: Các dự án khởi nghiệp sau khi được vào vòng Ươm tạo chính thức của Vườn ươm sẽ được tham gia vào khóa đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Thông qua khóa đào tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ nắm được các kỹ năng về lãnh đạo, quản trị nhân sự, marketing, tài chính, đặc biệt nắm được kỹ năng về thuyết trình, kêu gọi vốn đầu tư,….

Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm nguồn vốn thông qua các Hội nghị Xúc tiến đầu tư. Từ năm 2017 đến năm 2019, Vườn ươm đã tổ chức 3 Hội nghị Xúc tiến đầu tư. Sau Hội nghị XTĐT, có nhiều dự án khởi nghiệp được các nhà đầu tư quan tâm. Trên cơ sở đó, Vườn ươm đã kết nối 1-1 cho các quỹ đầu tư và chủ dự án gặp gỡ và tìm hiểu sâu hơn về dự án để đi đến quyết định đầu tư.

Chúng tôi cũng hỗ trợ pháp luật và dịch vụ tiện ích khác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chẳng hạn: Vườn ươm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh,…

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về một vài dự án start up đã thành công nhờ sự đồng hành của Vườn ươm?

Ông Vũ Tấn Cương: Kết thúc 3 năm, Vườn ươm có 24 dự án khởi nghiệp được tốt nghiệp, mỗi dự án đều là những câu chuyện thành công, trong đó có một số dự án xuất sắc đã kêu gọi được vốn đầu tư,… nhờ sự đồng hành của Vườn ươm như Thẻ tích điểm phân loại rác của doanh nghiệp xã hội mGreen; Dự án ứng dụng kết nối xe chiều về NetLoading của Công ty TNHH NetLoading; Dự án Vihago.com – Mạng Xã hội kết nối khách hàng với phương tiện vận chuyển của Nguyễn Văn Vinh; Bán vé online của Công ty TNHH Chọn vé;  Nền tảng quản lý và phát triển khách hàng trực tuyến của Công ty LifeNet; Chương trình huấn luyện biệt đội marketing tinh nhuệ của Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet; Dự án Get&Go – Giải pháp máy bán hàng thông minh trên nền tảng IoT của nhóm Trần Văn Lịch.

Thời gian tới, mục tiêu của Vườn ươm tiếp tục thực hiện vài trò của mình trong Chương trình khởi nghiệp của Thủ đô như thế nào, thưa ông? 

Ông Vũ Tấn Cương: Hà Nội là một trong những địa phương có phong trào khởi nghiệp dẫn đầu cả nước. Số DN thành lập mới giai đoạn 2016 - 2019 đạt kỷ lục với hơn 88.000 DN thành lập mới. Nâng tổng số DN của Hà Nội lên hơn 272.000 DN. Tuy nhiên, số DN khởi nghiệp thành công và DN khởi nghiệp sáng tạo, gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất ít (khoảng 0,1% trong tổng số các DN khởi nghiệp).

Thời gian tới, bên cạnh hoạt động ươm tạo đã được đúc kết trong 3 năm, Vườn ươm sẽ tập trung vào 4 hoạt động chính. Đó là triển khai Quyết định số 4889/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội về “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2019-2025”; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo chuyên sâu nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiếp tục mở rộng không gian sáng tạo để qua đó tạo cơ hội kết nối giữa nhà đầu tư và các chủ dự án. Đặc biệt là việc giải bài toán về vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo ông, thành phố Hà Nội và Chính phủ cần có sự hỗ trợ định hướng như thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp và những Vườn ươm hoạt động hiệu quả hơn trong vai trò 'bà đỡ" cho các doanh nghiệp khởi nghiệp?

Ông Vũ Tấn Cương: Ngày 18/5/2016 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 844/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), hiện nay Đề án 844 đã đi được chặng đường hơn 3 năm, thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 4889/QĐ-UBND về “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2019-2025”. Qua đó thể hiện quyết tâm cao của cấp Chính phủ và cấp địa phương trong thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành, sau đó là các Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo hành lang pháp lý cho việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Luật, Nghị định, các chính sách của Trung ương và địa phương đã có, như vậy chúng ta cần đưa những cơ chế, chính sách này đi vào thực tế, một vấn đề mà các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như Vườn ươm HBI-IT cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất mong chờ đó là hình thành được cộng đồng các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm cho dự án khởi nghiệp, để làm được điều này có lẽ chúng ta cần có khâu đột phá trong quản lý vốn “dám mạo hiểm cho các dự án mạo hiểm nhưng có kỳ vọng đột phá”. Tôi nghĩ, có như vậy mới giải được bài toán khát vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Xin cảm ơn Ông!

Minh Anh (thực hiện)

Top