Đưa Đan Phượng trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô

17/04/2019 4:08 PM

(Chinhphu.vn) - Cách trung tâm Hà Nội 20 km về phía Tây, nằm trên tuyến du lịch quan trọng của Thành phố Hà Nội - Ba Vì, Đan Phượng đang tận dụng những lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch, là giải pháp phát triển kinh tế cho huyện trong thời gian tới cũng như đưa huyện trở thành điển đến hấp dẫn của Thủ đô và cả nước.

Hát chèo tàu ở hội Gối (Tân Hội) - một loại hình văn hóa ở Đan Phượng. Ảnh Internet

Đan Phượng không rộng nhưng vùng đất này có nhiều cụm di tích văn hóa tâm linh như: Xã Hạ Mỗ là thành Ô Diên xưa với đền Văn Hiến thờ danh nhân Tô Hiến Thành, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng hay các ngôi chùa Đôi Hồi xã Song Phượng, chùa Tân Hải xã Trung Châu, chùa Già Lê xã Hồng Hà, chùa Chổi xã Liên Hồng, đình Đại Phùng xã Đan Phượng… Đan Phượng còn là cái nôi của các loại hình nghệ thuật dân gian, trong đó có hát ca trù ở xã Thượng Mỗ, vật truyền thống, hát chèo bè trên sông của dân chài Vạn Vĩ ở xã Hồng Hà, thổi cơm thi ở hội Dầy, hát chèo tàu ở hội Gối (Tân Hội), bơi trải ở Đồng Tháp…

Không những thế, là vùng đất có 3 con sông chảy qua: Sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ cổ nên đã bồi đắp cho Đan Phượng những bờ xôi ruộng mật, tạo thành tiềm năng để nơi đây có thể phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm.

Chẳng hạn như du lịch sinh thái cuối tuần tham quan tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái, nghỉ cuối tuần tại khu vực ven sông Đáy, ven đê sông Hồng; du lịch ẩm thực tại các điểm du lịch làng nghề  ẩm thực truyền thống như nem Phùng, giò chả Tân Hội, đậu phụ Hạ Mỗ, Hồng Hà… hoặc du lịch làng nghề mộc Liên Hà, Liên Trung…

Tuy nhiên, bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng thừa nhận, mặc dù Đan Phượng có nhiều thuận lợi và tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm. Thế nhưng, đây chưa phải là một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến với Đan Phượng còn khiêm tốn và đến nay gần như khi nhắc đến Đan Phượng du khách mới biết đến nem Phùng qua ca dao, lời truyền miệng mà không biết đến giò chả Tân Hội, đậu phụ Hạ Mỗ, rượu nếp Bá Giang, cá kho làng chài Vạn Vĩ…

Sở dĩ có thực tế đó là vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Đan Phượng còn thấp, tính đồng bộ chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Hiện nay, Đan Phượng có hơn 30 cơ sở lưu trú song chưa có cơ sở nào đạt hạng sao. Các loại hình dịch vụ, ăn uống nghỉ ngơi, vui chơi còn thiếu, nhỏ lẻ; hệ thống dịch vụ du lịch tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Nhất là, cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch cơ sở còn thiếu; phần lớn lao động trực tiếp đều là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo… Đan Phượng chưa có những sản phẩm du lịch tiêu biểu được xây dựng trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch. Các sản phẩm du lịch chưa hình thành rõ rệt, chưa thực sự phong phú, hấp dẫn để được thống kê và xác định nguồn thu rõ rệt, chỉ mới sơ khai bước đầu.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về các di tích lịch sử văn hóa, các điểm du lịch trên địa bàn còn chưa bài bản; đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch - dịch vụ chưa đồng bộ, công tác xã hội hóa phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn còn khó khăn; nguồn vốn đầu tư riêng cho phát triển du lịch để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch chưa được quan tâm.

Để phát huy tiềm năng về du lịch văn hóa, Đan Phượng đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch huyện Đan Phương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện định hướng tạo dựng các sản phẩm du lịch mũi nhọn vào khai thác phát triển 4 loại hình du lịch. Trong đó, du lịch văn hóa là thế mạnh và là sản phẩm du lịch đặc trưng của Đan Phượng, tập trung vào tham quan các di tích lịch sử văn hoá; tham quan làng nghề; du lịch lễ hội; du lịch cộng đồng.

Du lịch sinh thái cuối tuần, du khách có thể tham quan tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái, nghỉ cuối tuần tại khu vực ven sông Đáy, ven đê sông Hồng; Du lịch vui chơi giải trí tập trung theo hướng hình thành các khu vui chơi giải trí tham quan, thể thao, thưởng thức nghệ thuật trung tâm huyện; Du lịch mua sắm, ẩm thực phát triển tại các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại; các điểm du lịch làng nghề ẩm thực truyền thống (nem Phùng, giò chả Tân Hội, rượt, đậu phụ Hạ Mỗ, Hồng Hà).

Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để phát triển du lịch Đan Phượng còn rất nhiều việc phải làm, trong đó phải đặc biệt chú  ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn hóa thông tin, hình ảnh các điểm đến. Cùng với đó, trên cơ sở tài nguyên phong phú, Đan Phượng cần xác định điểm đến cụ thể để xây dựng chất lượng và khai thác hiệu quả.

Thành Nam

Top