Đưa giải pháp bình ổn thị trường nguồn cung thịt lợn

21/11/2019 5:00 PM

(Chinhphu.vn) – Những ngày qua, giá thịt lợn hơi tăng cao mức kỷ lục từ trước đến nay, khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế khác. Để mặt hàng này không còn khan hiếm tăng giá đột biến, nhất là dịp cuối năm, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.

Ảnh minh họa

Theo ghi nhận của phóng viên, tuần vừa qua tại một số chợ truyền thống như chợ Hôm-Đức Viên,  Thành Công (Đống Đa),… giá thịt lợn đều tăng mạnh, tăng lên hơn so với giá cũ đến 75.000 đồng/kg. Cụ thể, các loại thịt ba chỉ, chân giò, nạc thăn, sườn thăn... tăng từ 30.000-40.000 đồng/kg so với trước đây khoảng một tháng, lên 140.000-150.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thu Trang (Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa) chia sẻ, trước đây khoảng 1 tháng, giá thịt lợn chỉ dao động từ 65-90.000đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên từ 10 ngày trở lại đây, giá thịt lơn tăng cao, người nội trợ phải tốn từ 120.000-170.000 đồng/kg.  Không những vậy, các loại thực phẩm thay thế khác như thịt gà, thịt bò, cá, tôm,... cũng tăng theo do người dân chuyển sang lựa chọn các thực phẩm khác thay thế thịt lợn.

Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, "áp sát" với giá thịt bò, có nơi thịt ba chỉ lên đến 200.000 đồng/kg, mới đây, Bộ NN&PTNT tổ chức gấp cuộc họp bàn giải pháp bình ổn mặt hàng thịt lợn.  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới, nhu cầu thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng sẽ tăng, nếu không tập trung đồng bộ, chính xác, minh bạch các giải pháp bình ổn thì sẽ xảy ra rối loạn thị trường thịt lợn, gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng.

Trước mắt, đề nghị bên cạnh tăng cường sản xuất nguồn thuỷ sản, trứng, sữa, gia cầm, gia súc lớn…, trên cơ sở an toàn sinh học, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi hạt nhân phát triển tối đa đàn lợn. Đối với các hộ gia đình, cũng phải phát triển đàn. Cùng với đó ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết sắp tới.

Để bảo đảm nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch thành phố kết nối với nhiều nhà cung cấp tại các tỉnh, thành phố phía Bắc để có nguồn cung thịt lợn ổn định, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong những đợt cao điểm; vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất các loại thực phẩm chế biến. Đặc biệt, trong trường hợp nguồn cung khan hiếm, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu thịt lợn từ Pháp, Indonesia...

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ đã triển khai phối hợp chặt với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt.

Bộ Công Thương đề xuất, các địa phương, bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước, vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh...

Bích Phương

Top