Đưa giải pháp ngăn chặn găm hàng, đầu cơ giá thịt lợn

20/12/2019 4:12 PM

(Chinhphu.vn) - Lo ngại trước tình trạng “găm” hàng đẩy giá, ngành Công Thương sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tránh tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường. Đồng thời tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt heo và sử dụng thịt heo đông lạnh thay thế thịt heo nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, giá mặt hàng thịt heo tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay với mức tăng 60%-95% so với đầu năm 2019. Hiện giá heo hơi ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg; giá thịt heo thành phẩm ở mức 160.000 - 180.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi tác động lớn đến nguồn cung cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lưu chuyển heo thịt và thịt heo giữa các địa phương đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt heo tăng cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

 “Nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11/2019, đàn lợn cả nước đã giảm 22% so cùng kỳ năm 2018. Còn tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhu cầu thịt lợn của người dân trong dịp Tết là khoảng 22.300 tấn lợn hơi/tháng, tăng khoảng 18% đến 20% so với các tháng khác. Hiện, đàn lợn Toàn thành phố có 1,18 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tháng này nhưng đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ thiếu hụt do nhu cầu tăng cao. Vì vậy, để bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ dịp Tết, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến.

Các doanh nghiệp bán lẻ cũng khẳng định sẽ bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết, qua đó ngăn chặn việc một số tiểu thương tại các chợ truyền thống tăng giá bất hợp lý. Ngoài ra, để dự trữ thực phẩm tươi sống, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp bán lẻ như BigC, Co.opmart, Vincommerce, Hapro đã chuẩn bị hệ thống kho lạnh để dự trữ hàng hóa. Đáng chú ý, ngoài việc khai thác nguồn hàng tại các tỉnh phía Bắc, các siêu thị này đã lên phương án để sẵn sàng vận chuyển một lượng lớn thịt lợn từ thị trường phía Nam đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) chia sẻ, hiện hợp tác xã có 7 trang trại chăn nuôi với quy mô 2.000 con lợn; đang tăng số đầu con lên 10%, cung ứng 40 tấn thịt lợn an toàn sinh học dịp Tết này với giá ổn định đã ký kết với các công ty, siêu thị...

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong 10 tháng năm 2019, cả nước đã nhập khẩu 96.000 tấn thịt lợn, trị giá hơn 108 triệu USD. Thế nhưng sau thời điểm trên, một số nhà nhập khẩu đã tạm dừng nhập do giá thịt lợn nhập khẩu bắt đầu tăng. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) phân tích thêm, các doanh nghiệp chủ yếu nhập theo đặt hàng của các đối tác tiêu thụ trong nước do thịt lợn nhập khẩu chủ yếu tiêu thụ ở các nhà máy, xí nghiệp, bếp ăn… Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng thịt đông lạnh nên doanh nghiệp chưa dám nhập khẩu nhiều.

Để tránh tình trạng người chăn nuôi, tiểu thương kinh doanh găm hàng, đẩy giá, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, trước mắt khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn tươi, nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, ngành Công Thương sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

Thùy Linh

Top