Đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản

23/02/2021 9:29 PM

(Chinhphu.vn) - Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chiều ngày 23/2 để nghe báo cáo về tiến độ thực hiện các dự án do Trung tâm thực hiện.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Anh

Buổi làm việc nhằm thúc đẩy việc hoàn tất cam kết của Chính phủ với UNESCO khi khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội được công nhận Di sản thế giới 8/2010;

Cùng chủ trì cuộc họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam Michael Croft; lãnh đạo các hội đồng tư vấn khoa học, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan đã tham dự cuộc họp.

Thực hiện được 7/8 cam kết với UNESCO

Chủ trì cuộc họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung bàn về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (đối với Khu di tích Cổ Loa cơ chế sẽ tương tự), phân tích kỹ, nguyên nhân khách quan, chủ quan từ nhận thức đến chủ trương, từ chủ trương đến thể chế để hoàn thành việc nhất thể hóa quản lý tại Di sản Hoàng Thành Thăng Long và thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án. Tất cả hướng đến tầm nhìn là phát triển Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản đẹp nhất Hà Nội dành cho du khách trong và ngoài nước.

Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh đã báo cáo về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản và tiến độ triển khai các dự án do Trung tâm thực hiện.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO công nhận Di sản Thế giới vào tháng 8/2010. Khu di tích Cổ Loa đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt năm 2002, đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tỷ lệ 1/1.200. 

Theo ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, sau 10 năm được công nhận là Di sản Thế giới, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long thực hiện được 7/8 cam kết với UNESCO. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc thống nhất quản lý khu di sản về di tích và di vật vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Hiện thành phố Hà Nội đã tiếp nhận, quản lý được 91% diện tích di sản. Về công tác thống nhất quản lý di vật, hiện vật khảo cổ học: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được tiến hành khai quật khảo cổ học từ năm 2002 với các đợt khai quật lớn. Số lượng hiện vật khai quật được là vô cùng lớn. Từ năm 2010 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã bàn giao cho UBND Thành phố tiếp nhận, tổ chức trưng bày, bảo quản số lượng di vật. Ngày 4/12, UBND TP. Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận thực hiện Kế hoạch và lộ trình bàn giao toàn bộ di vật còn lại từ năm 2020 đến năm 2025.

Nhiều chuyên gia tham dự đánh giá cao cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy về tiến độ triển khai các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản Hoàng Thành Thăng Long và Di tích Cổ Loa. Nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị của các chuyên gia sử học và khảo cổ học, các nhà quản lý đã được đưa ra tại buổi làm việc về các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, đồng thời đề xuất phương án, giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các dự án bảo tồn 2 di sản quan trọng nêu trên.

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều khẳng định, vấn đề thống nhất quản lý là quan tâm số một của UNESCO, do vậy Hà Nội cần tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ bàn giao phần diện tích còn lại (1,729 ha) và bàn giao các di vật khảo cổ học; mong muốn Hà Nội sẽ tập trung 2 dự án ưu tiên, đó là khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phục dựng Điện Kính Thiên.

Các đại biểu cũng nhất trí cao với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đặc biệt là tầm nhìn đưa Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản của Thủ đô, vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch và Dự án phục dựng Điện Kính Thiên.

Theo GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: “Chúng ta không thể không phục dựng điện Kính Thiên. Nhưng trước hết phải nghiên cứu cơ sở để phục dựng. Thành phố nên vào Huế để nghiên cứu thêm, vì chắc chắn triều Nguyễn có tham khảo hình thức Hoàng thành Thăng Long để xây dựng kinh thành”.

GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định chúng ta hoàn toàn có cơ sở phục dựng lại điện Kính Thiên, vì trên thế giới có những di tích không có cơ sở như chúng ta, nhưng họ đã phục dựng thành công.

Nhà sử học Lê Văn Lan nhìn nhận, các dự án phục dựng khu vực Hoàng thành Thăng Long thời gian qua còn tản mạn và chậm tiến độ. Ông đề nghị Thường trực Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào hai dự án là Nhà trưng bày, bảo quản hiện vật 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên.

Liên quan đến Khu di tích Cổ Loa, nhiều nhà khoa học đề nghị phải sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền và phục dựng lại các vòng thành của thành Cổ Loa.

Tham dự cuộc họp chiều này, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho rằng, Hà Nội thực hiện rất nghiêm túc các cam kết với UNESCO trong bảo tồn và phát huy các di sản thế giới. UNESCO sẵn sàng huy động các nguồn lực quốc tế để giúp Hà Nội bảo tồn Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời đề nghị Hà Nội nên tham vấn ý kiến của Hội đồng Di sản thế giới để bảo đảm việc phục dựng các di tích như điện Kính Thiên không ảnh hưởng đến các giá trị toàn cầu của di sản.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến chuyên gia, trước hết là tách dự án tổng thể thành các dự án thành phần. UBND Thành phố cũng phối hợp với các bộ, ngành trung ương để thúc đẩy tiến độ các dự án, trong đó có phần việc quan trọng nhất là bàn giao đất để thống nhất quản lý.

Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh Anh

Cần phải tạo bước chuyển căn bản, hoàn tất các cam kết với UNESCO

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, nghị quyết đại hội các nhiệm kỳ Đảng bộ thành phố Hà Nội đều rất coi trọng xây dựng văn hóa, con người Hà Nội. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố xác định phải phát huy các giá trị văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành nguồn lực nội sinh hàng đầu quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới đã được công nhận hơn 10 năm qua và Khu di tích Cổ Loa là di tích cấp quốc gia đặc biệt là những tài sản rất quý giá của Hà Nội.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, việc phát huy bảo tồn Di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa luôn được lãnh đạo Trung ương và Hà Nội qua các thời kỳ hết sức quan tâm. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng ở cả lĩnh vực bảo tồn và phát huy, chưa đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của nhân dân cũng như của UNESCO và bạn bè quốc tế.

Việc triển khai thực hiện các dự án rất chậm, dàn trải, chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân, của Trung ương, thành phố và UNESCO. Nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, từ nhận thức của các cấp, các ngành; việc cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, Thành phố còn chậm; công tác phối hợp liên ngành chưa tốt...

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, cần phải tạo bước chuyển căn bản, hoàn tất các cam kết với UNESCO và thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long. Bởi Hà Nội có nguồn lực, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử rất tâm huyết, sẵn sàng cống hiến, nhân dân Thủ đô rất mong đợi. Do đó trong 5 năm tới cần triển khai những công việc cần thiết để đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản xứng đáng với giá trị toàn cầu nổi trội.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với việc bảo tồn, phát huy các di sản thế giới và di sản quốc gia; nhận thức rõ hơn những giá trị to lớn của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; từ đó quyết tâm, trách nhiệm, không chỉ thực hiện bằng năng lực, trình độ, mà bằng cả tâm huyết; phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ...và thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy các di sản thế giới và di sản quốc gia này.

Để thống nhất quản lý Hoàng thành Thăng Long, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng cơ sở mới tại quận Nam Từ Liêm để di dời Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; đồng thời bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, theo tiến độ, yêu cầu để thực hiện bàn giao, tiếp nhận các khu vực còn lại; khẩn trương sửa chữa công trình, mua sắm thiết bị để bảo quản các di vật khảo cổ sau khi tiếp nhận; giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương trình phê duyệt các dự án, trong đó tập trung làm nhanh đối với dự án tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên, bổ sung vào danh mục dự án ưu tiên, sớm triển khai đầu tư của Thành phố. 

Về 4 dự án tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang liên quan đến Hoàng thành Thăng Long, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, theo đề xuất của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thì thời hạn hoàn thành còn quá xa, nên rút ngắn lại.

Đối với Khu di tích Cổ Loa, Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng ý không lập quy hoạch 1/500 toàn bộ khu di tích; cho phép triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo theo Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt; khi triển khai thực hiện dự án thành phần sẽ lập Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho từng dự án.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy đề nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu thêm một dự án huấn luyện đào tạo nhân sự, truyền thông nhằm phát huy giá trị di sản theo gợi ý của đại diện UNESCO; thống nhất chỉ đạo Trung tâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, làm hiệu quả, sâu sắc hơn giá trị di sản.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự Đảng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương trình Thường trực Thành ủy phê duyệt các dự án tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long,..

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo cấp Thành phố do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đứng đầu; tiếp tục kiện toàn hội đồng tư vấn khoa học; tăng cường cả về cán bộ, cơ chế, chính sách cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội… Bên cạnh đó, quan tâm nghiên cứu thêm dự án phí công trình để tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản; ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng và thực hiện hiệu quả hơn công trình giáo dục di sản; tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa quy mô quốc gia, khu vực, các sự kiện có sự phối hợp quốc tế để tăng giá trị kinh tế tại các khu di sản.

Minh Anh

 

Top