Đưa “không gian xanh” vào nơi sống

27/10/2015 5:11 PM

(Chinhphu.vn) - Vào đầu tháng 10 vừa qua, dự án Ecopark tiếp tục mở bán, số lượng người nộp hồ sơ tham gia khá đông cho thấy các khu đô thị có không gian xanh luôn có một sức hút nhất định đối với người dân đô thị.

 

 

 Khu đô thị Ecopark không những thu hút khách mua bất động sản mà còn đón nhiều khách du lịch về tận hưởng không gian xanh mát - Ảnh Thùy Dung

Yêu cầu về bất động sản cao cấp không chỉ dừng lại ở giá thành, tiện ích, chất lượng công trình, mà không gian xanh đang là vấn đề được đặt ra đối với chủ đầu tư. Người mua hiện nay thường có xu hướng lựa chọn nơi sống cho mình một không gian gần gũi với thiên nhiên nhất có thể. Thực tế, cây xanh là nguồn cung cấp oxy, ngăn chặn bụi bẩn, tạo cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho thành phố... chính vì vậy không gian xanh luôn “hot” trong các phân khúc bất động sản.

Thực tế, trong nội thành Hà Nội, những khu phố có cây xanh hay gần công viên cây xanh như những đường phố quận Ba Đình, khu phố xung quanh hồ Tây, hồ Trúc Bạch, công viên Thủ Lệ, công viên Cầu Giấy, công viên Thống Nhất… đều luôn giữ được mức giá ổn định và có tính thanh khoản cao hơn so với những tuyến phố mới chỉ toàn bê tông đường nhựa.

Ngay cả trong thời kỳ bất động sản đóng băng, dù nhiều dự án phải giảm giá đến 40%, nhưng ở các dự án này chỉ giảm rất nhẹ, mà vẫn được nhiều người lựa chọn. Điển hình, giá bán căn hộ chung cư tại Ecopark vào năm 2011 khoảng từ 18 triệu đồng/m2. Mức giá này được xác định là cao hơn các dự án cùng vị trí từ 3 - 5 triệu/m2, nhưng vẫn bán chạy. Còn các căn biệt thự tại Vincom Village có giá cả triệu USD và không hề mất giá khi thị trường đóng băng. Trong khi căn hộ chung cư Dự án Mulberry Lane có giá 30 triệu đồng/m2, cao hơn các dự án cùng loại từ 2 - 4 triệu đồng/m2. Khá nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay lựa chọn đầu tư ở những dự án này vì họ đã tính đến tương lai được sở hữu một không gian sống lành mạnh khi nội thành Hà Nội đã trở lên ngột ngạt và giao thông các tuyến đường ngoại thành ngày càng phát triển.

Không những đứng ở khía cạnh người tiêu dùng, ngay cả các chủ đầu tư hiện cũng kháo nhau khi nộp thiết kế các dự án có diện tích dành cho cây xanh càng lớn thì khả năng được phê duyệt càng cao. Bởi, việc “xanh hóa” thành phố dường như là một viễn cảnh rất đẹp có thể thuyết phục được cả nhà quản lý và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh trong khi xây dựng các dự án đã được phê duyệt nhiều khi khó tránh khỏi. Khi đó, diện tích cây xanh có giảm đi một chút thì cũng do thực tế khách quan, cho dù chịu nộp phạt vì điều chỉnh diện tích cây xanh trong dự án thì chủ đầu tư cũng không thể “lỗ” được khi chỉ cần xây xong móng dự án là đã có tiền nộp về của khách hàng mua nhà.

Tuy nhiên khi thị hiếu của cả khách hàng lẫn nha quản lý đều “ưa” nhìn vào diện tích cây xanh của các khu đô thị thì việc “phủ xanh” các công trình vẫn là tiêu chí bề nổi góp phần đo đếm giá thành của các khu đô thị.

Tiêu chí của kiến trúc xanh Việt Nam

Quan điểm về kiến trúc xanh tại Việt Nam dường như vẫn chưa đi đến thống nhất, nhưng một không gian sống xanh thường được mặc định với các yếu tố cây xanh và ánh sáng tự nhiên.

Theo Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, năm 2011, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã chính thức ra tuyên ngôn “Kiến trúc xanh Việt Nam” và ban hành 5 tiêu chí cụ thể của kiến trúc xanh Việt Nam. Theo đó, công trình phải tạo lập cảnh quan hài hòa, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình kiến trúc với cảnh quan xung quanh; khai thác và phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trương sống của con người.

Các công trình đô thị muốn đạt tiêu chí kiến trúc xanh cần nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng tài nguyên đất đai, nước, năng lượng, vật liệu…

Cùng với đó chất lượng môi trường trong nhà phải bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiện nghi, sử dụng hiệu quả công trình; hướng tới nền kiến trúc hiện đại, gắn với kế thừa các giá trị truyền thống, tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam; phát triển kiến trúc phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ, nuôi dưỡng môi trường xã hội - nhân văn ổn định, bền vững.

Riêng về vấn đề sử dụng cây xanh trong các không gian sống, theo ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và tư vấn xây dựng công nghiệp Archivina cho biết khi sử dụng cây xanh cần quan tâm đến các vấn đề như sử dụng hóa chất độc hại, đảm bảo mặt sàn trồng cây, cần đầu tư thời gian chăm sóc và dùng lượng cây trồng vừa đủ với không gian.

Cụ thể hơn, nếu trồng cây xanh bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng sâu bệnh của cây, nhưng điều quan trọng nhất là sức khỏe của mọi người. Do đó nên chọn lựa những loại thuốc trừ sâu hay phân bón có nguồn gốc tự nhiên, vừa sạch vừa an toàn, đảm bảo sức khỏe mọi người không bị ảnh hưởng.

Trước khi gieo những mầm cây đầu tiên gia chủ cũng phải chắc chắn về mặt sàn, khu vực dự định sẽ trồng cây, vì chất liệu của sàn cũng sẽ ảnh hưởng đến việc nên chọn cây gì, trồng cây gì. Ví dụ cụ thể như sàn nhà được làm bằng gỗ thì cần phải có hệ thống thoát nước tốt, nếu không nước ngấm vào sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của sàn. Còn đối với sàn gạch thì bạn chỉ cần một hệ thống thoát nước có sẵn là đủ.

Với không gian chật hẹp mà bạn tận dụng được ở trên sân thượng, ban công hay thậm chí là ở giếng trời thì không được ôm đồm quá nhiều loại cây trồng bởi làm như vậy không những khiến cho sân vườn trở nên rối rắm, mất thẩm mỹ mà việc chăm sóc cũng trở nên khó khăn hơn bởi mỗi loại cây đều cần có một chế độ chăm sóc khác nhau. Chỉ nên trồng tối đa 2 loại cây khác nhau ví dụ như cây cảnh và hoa, rau và hoa, cây ăn quả và hoa. Quan trọng nhất, dù trồng bất kỳ loại cây nào cũng cần phải bỏ thời gian chăm sóc thì chúng mới sinh trưởng và phát triển được.

Thùy Dung

Top