Đưa Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ, văn hóa của Thủ đô

26/09/2017 5:32 PM

(Chinhphu.vn) – Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của quận Tây Hồ, tỷ trọng du lịch chiếm gần 10% GDP trong cơ cấu kinh tế. Điều này sẽ góp phần nâng cao vị thế và sớm đưa Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch văn hoá Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng thông tin với báo chí. Ảnh: Thùy Linh

Chiều 26/9, tại Hội nghị giao ban thông tin báo chí Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng đã thông tin với báo chí về công tác quản lý đô thị 9 tháng và công tác phát triển du lịch trên địa bàn quận Tây Hồ.

Duy trì, giải quyết vi phạm trật tự đô thị

Ông Nguyễn Lê Hoàng cho biết, trong những tháng qua, công tác thực hiện các hạng mục duy tu, duy trì, chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, vỉa hè trên địa bàn quận theo phân cấp được thực hiện thường xuyên, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ, mỹ quan đô thị.

Công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận được thực hiện theo đúng quy trình, quy định; việc thu gom rác thực hiện trên toàn tuyến đường, ngõ, ngách theo phân cấp, triển khai lắp đặt 231 thùng rác mới.

Về quản lý trật tự xây dựng, quận đã chỉ đạo các phường xử lý, dỡ bỏ tại chỗ 75 lượt lều lán, nhà tạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm; xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại khu 1,8 ha phường Quảng An, khu vực cuối ngõ 264 Âu Cơ, phường Nhật Tân...

Trong những tháng cuối năm, quận sẽ duy trì thường xuyên, hiệu quả công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thi, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất công, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích; tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng;...

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Về công tác phát triển du lịch trên địa bàn quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, vùng Hồ Tây đã trở thành địa chỉ hấp dẫn khá nhiều các nhà đầu tư đến đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn. Hiện tại trên địa bàn quận đã có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 33 khách sạn có sao, 67 cơ sở lưu trú chưa được xếp hạng và nhiều nhà hàng lớn nhỏ, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách.

Hầu hết các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ lữ hành đều có ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến phòng chống tệ nạn xã hội tại doanh nghiệp, chấp hành sự quản lý, hướng dẫn của cơ quan chức năng quản lý về du lịch.

Công tác đầu tư phát triển và kinh doanh du lịch được chú trọng hơn, được xã hội hoá rộng rãi, thu hút nhiều nguồn nhân lực, nhiều thành phần kinh tế tham gia. Cụ thể, thu hút 205 tỷ đồng xã hội hoá đầu tư vào các di tích. Ngân sách cấp gần 50 tỷ đồng chủ yếu chi cho công tác giải phóng mặt bằng các di tích và tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ du lịch. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đang dần được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, đen lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Du lịch đã tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế-xã hội của đô thị phát triển như văn hoá, thương mại, giao thông, công nghiệp, thủ công nghiệp,... góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển làng nghề.

“Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của quận, tỷ trọng du lịch chiếm gần 10% GDP trong cơ cấu kinh tế. Điều này đẫ góp phần nâng cao vị thế và sớm đưa Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch văn hoá Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nhấn mạnh.

Thùy Linh

Top