Đưa trái cây, nông sản tiêu biểu các tỉnh, thành về Thủ đô

20/11/2020 8:49 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ, từ ngày 20-22/11, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội năm 2020.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Tuần hàng. Ảnh: Thuỳ Linh

Với quy mô khoảng 80 gian hàng tiêu chuẩn, của khoảng 15 tỉnh, thành phố tham dự, giới thiệu hàng chục mặt hàng trái cây, nông sản tiêu biểu của các địa phương như Hà Nội, Sơn La, Hải Dương, Lào Cai, Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Thuận, Hà Giang, Thanh Hoá..., với các sản phẩm OCOP, tiêu biểu như trái cây (Cam, bưởi Hà Giang, Bắc Giang, Sơn La; ổi Hải Dương, đu đủ...); nông sản vùng cao (gạo các loại, măng, miến, trà, thịt gác bếp...); thực phẩm chế biến, đặc sản địa phương... đưa đến Tuần hàng.

Được tổ chức vào dịp cuối tuần, đây là cơ hội cho người tiêu dùng Thủ đô mua sắm, thưởng thức nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của nhiều địa phương, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp kèm theo khuyến mại hấp dẫn.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, hiện đang vào dịp cuối năm, đây là thời điểm thu hoạch rộ các loại cây có múi ở các tỉnh. Do đó, các tỉnh thành phố rất cần đến thị trường Hà Nội. Thành phố Hà Nội cũng luôn hỗ trợ các tỉnh thành phố đưa hàng về Thủ đô, trong đó có việc tổ chức các Tuần hàng trái cây, nông sản an toàn các ỉnh, thành phố tại Hà Nội. Ngoài ra, từ nay đến dịp Tết Nguyên đán, thành phố Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các điểm bán hàng cố định tại một số trung tâm thương mại, siêu thị, các khu vực đông dân cư, các nhà văn hóa để giúp các tỉnh có điểm bán thường xuyên ngoài việc tham gia các Tuần hàng trái cây, nông sản. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với các nhà sản xuất ngoài việc quảng bá sản phẩm của tỉnh mình thì được tiếp cận với các nhà phân phối để có một thị trường cung ứng ổn định.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh hầu hết đã quan tâm đến việc sản xuất theo chất lượng VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác, do đó, nhiều năm nay các sản phẩm nông nghiệp đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí về quy định an toàn thực phẩm và các quy định về mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, việc marketting, tuyên truyền quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tại một số tỉnh còn hạn chế. Do đó, Sở cũng thường xuyên tư vấn, hỗ trợ và nhiều doanh nghiệp phân phối cũng đã đến tận nhà vườn để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất. Để từ đó có được các sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu và quảng bá để nhiều người tiêu dùng biết đến. Đồng thời, thường xuyên tư vấn cho các tỉnh thành phố về những sản phẩm có nguồn cung ra thị trường đã dồi dào, từ đó các tỉnh cân đối việc trồng của địa phương mình, tránh tình trạng dư cung, dẫn đến tình trạng được mua, dớt giá. Ngoài ra, Sở đã hỗ trợ các tỉnh thành phố thường xuyên cung ứng, vận chuyển các sản phẩm trái cây về hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố một cách thuận lợi nhất.

Hiện nay nông sản đang đòi hỏi chất lượng rất cao, chưa kể đến các sản phẩm xuất khẩu đi thị trường các nước đòi hỏi tiêu chuẩn rất ngặt nghèo. Điều này buộc người nông dân muốn sản xuất được bền vững và có thị trường tiêu thụ thì phải sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt. Bên cạnh đó cần quan tâm đến mẫu mã, bao bì, giá cả và quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, thương hiệu là vấn đề hết sức quan trọng giúp người tiêu dùng biết đến những sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành phố, HTX, nông dân. Khi thương hiệu đó được người tiêu dùng chấp nhận thì sản phẩm đó sẽ đứng vững trên thị trường.

Không chỉ dừng lại ở những Tuần hàng, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cùng cả nước", thực hiện Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 21/10/2020 của UBND TP. Hà Nội, ngày 25/11, Hà Nội tổ chức hội nghị “Giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020”. Đây là sự kiện được các doanh nghiệp, địa phương mong chờ nhất trong năm. Bởi lẽ, đây cơ hội để các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường. Đáng chú ý, tại hội nghị, sẽ diễn ra các hoạt động kết nối đưa các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đặc sản, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) vào kênh phân phối trên địa bàn TP. Hà Nội; ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác về khai thác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố; giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối…  Các hoạt động giao thương, kết nối cung- cầu nêu trên góp phần Chủ động nguồn cung thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn Thành phố.

Thuỳ Linh

Top