Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'!

28/03/2024 9:24 AM

(Chinhphu.vn) - Những sự vụ gần đây về việc "chặt chém", "chèo kéo" khách du lịch được xem là "con sâu bỏ rầu nồi canh" nhưng trong thời đại thông tin lan tỏa mạnh mẽ trên các diễn đàn mạng xã hội lại gây hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến, đến môi trường du lịch Thủ đô. Do đó, cần triển khai các biện pháp hiệu quả, đồng bộ để chấm dứt triệt để tình trạng này.

Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'!- Ảnh 1.

Người bán hàng rong bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài. (ảnh cắt từ clip)

Tư duy làm du lịch theo kiểu "mùa vụ", "ăn xổi"

Tình trạng "chèo kéo", "chặt chém", du khách những năm qua là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch đến Thủ đô đã một đi không trở lại. Không chỉ với khách nội địa mà tình trạng đó còn xảy ra với khách quốc tế. Khi họ không "chèo kéo" được khách quốc tế, họ sẵn sàng quay ra thái độ nổi cáu, dùng những lời lẽ thô tục để mắng chửi khách. Việc làm đó đã dần mất đi sự thiện cảm vốn có trong mắt khách du lịch dành cho Thủ đô Hà Nội, khiến họ sợ hãi, đắn đo, không muốn đến Hà Nội du lịch nói riêng và Việt Nam lần hai nói chung. Tình trạng chèo kéo, chặt chém khách du lịch xảy ra khá nhiều ở những địa danh nổi tiếng của Thủ đô như: Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Phố cổ Hà Nội, Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hồ Tây...

Cụ thể đoạn clip lan truyền gần đây về việc một người bán hàng rong tại Hà Nội định chặt chém 200 nghìn đồng cho một túi táo nhỏ của du khách nước ngoài đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Hành vi này không chỉ cho thấy sự tham lam, vô đạo đức mà còn làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'!- Ảnh 2.

Túi hoa quả dầm với giá 200.000 đ mua tại phố đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: VGP/MT

Trên phố đi bộ Hoàn Kiếm, chị Minh Anh (TPHCM) cũng có trải nghiệm không vui khi đi du lịch Thủ đô và cũng gặp hoàn cảnh tương tư khi mua túi hoa quả dầm với giá cao chỉ có vài miếng trái cây lắc muối ớt.

Chia sẻ về việc tại sao thấy giá cả bất hợp lý như thế thì bỏ đi không mua nữa, chị Minh Anh cũng cho biết tình trạng do người bán trộn hoa quả cùng muối ớt, chị cũng nghĩ là không đắt đến mức như vậy nên khi họ báo giá cũng không biết làm thế nào. Khi chị nói không muốn lấy nữa, họ cũng ép phải lấy cho bằng được và tỏ rõ thái độ khó chịu. Vì đang đi cùng bạn lại không muốn làm to chuyện nên chị đành trả tiền cho xong. 

Mới đây, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá đối với người bán hàng rong có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng. Tại buổi làm việc, người phụ nữ bán hàng tên là B.T.L (thường trú ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, hiện tạm trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đã thừa nhận hành vi ứng xử của mình là không đúng, đồng thời, bày tỏ sự hối hận và xin lỗi vì đã tạo hình ảnh không đẹp về Thủ đô Hà Nội đối với du khách nước ngoài. Chị L cho biết, sau khi nhận thấy việc bán cho khách với mức giá 200.000 đồng là không đúng, chị đã trả lại tiền cho hai vị khách. Chị L cam kết sẽ không tái phạm.

Cách đây không lâu, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã xử phạt tài xế "chặt chém" khách du lịch nước ngoài 500.000 đồng cho quãng đường 3km. Trước đó, tại Khách sạn Apricot (địa chỉ tại 136 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), một hành khách người Mỹ đã nhờ nhân viên khách sạn gọi xe taxi để di chuyển đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm). Sau khi kết thúc cung đường chỉ khoảng 3km, tài xế đưa 5 ngón tay ra hiệu số tiền, vị khách liền đưa 500.000 đồng nhưng không được trả lại tiền thừa. Khi về khách sạn, hành khách đã phàn nàn với nhân viên khách sạn về số tiền tài xế taxi đã thu. Nhân viên khách sạn đã kiểm tra lại hình ảnh qua camera và thu nhận được thông tin về xe taxi có logo Taxi Hà Nội. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sau đó đã mời tài xế đưa phương tiện về trụ sở để làm việc. Tài xế đã thừa nhận sai phạm của mình. Tài xế đã trả lại tiền thừa và xin lỗi vị khách người Mỹ; đồng thời, chịu mức xử phạt hơn 12 triệu đồng.

Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'!- Ảnh 3.

PGS .TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: VGP/MA

Theo PGS - TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), vấn đề "chặt chém", "chèo kéo" du khách đã diễn ra từ lâu và khó giải quyết triệt để, đặc biệt là những tỉnh, thành tập trung nhiều khách du lịch như Hà Nội, SaPa - Lào Cai, Đà Nẵng… kể cả ở những nước phát triển cũng xảy ra tình trạng này, thậm chí nghiêm trọng hơn như móc túi, cướp bóc… và khách du lịch luôn là đối tượng để một số đối tượng lợi dụng. 

PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, ở Việt Nam do việc buôn bán hàng rong diễn ra khá nhiều nên việc kiểm soát giá cả, người kinh doanh còn khó khăn. Thêm nữa, đối tượng chộp giật, "chèo kéo" đôi khi không phải là người dân địa phương mà từ nơi khác đến. Khi xảy ra hiện tượng như vậy thì rõ ràng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch cũng như hình ảnh địa phương, đặc biệt trong thời đại truyền thông, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Ông Tạ Hữu Chiến, Giám đốc Công ty Du lịch Mặt Trời Việt Nam (Sunvina travel) phân tích, việc mua bán là thoả thuận giữa hai bên. Nếu bên mua đồng ý mua với giá bên bán đưa ra thì đó là thuận mua vừa bán. Khách hàng có quyền từ chối không mua nếu thấy giá đắt…Tuy nhiên, trong trường hợp "người bán hàng rong định bán túi táo nhỏ với giá 200 nghìn đồng", lỗi sai hoàn toàn của bà bán hàng rong đã cố ý bán khi khách du lịch đã có phản ứng không mua trả lại tiền. Hành động này làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam đến người nước ngoài. Xét ở khía cạnh môi trường du lịch khi có phản ánh thì cơ quan quản lý cần vào cuộc và xử lý nghiêm việc lừa dối khách, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam cũng như Thủ đô thân thiện, mến khách.

Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'!- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội). Ảnh: VGP/MA

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) cho rằng, hiện tượng "chặt chém" khách du lịch hiện nay không phải là đa số, chỉ là con số ít nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch của Thủ đô. Sự việc của người bán hàng rong trên Phố cổ Hà Nội vừa qua đã làm xấu đi hình ảnh Thành phố vì hòa bình - đang là điểm đến du lịch thân thiện, hiếu khách. Vì vậy, các ngành Du lịch nói chung cũng như du lịch Thủ đô nói riêng cần quan tâm hơn, sớm loại bỏ nạn "chặt chém" này ra khỏi môi trường du lịch.

"Đây chỉ là tư duy làm du lịch theo kiểu mùa vụ, "ăn xổi", thay vì "nuôi dưỡng" nguồn thu lâu dài từ du lịch, thì họ lại tận dụng khi mà có khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Ngay cả việc chèo kéo cũng khiến du khách ức chế, nhất là những đoàn khách nước ngoài đi lẻ từ 3-5 người...", ông Nguyễn Đăng Thạo chia sẻ.

Đứng ở góc độ chuyên gia, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc "chèo kéo" hay "chặt chém" du khách không cho thấy hình ảnh đẹp, tính chuyên nghiệp hay văn hoá và đạo đức thậm chí đạo lý kinh doanh, đặc biệt ở Thủ đô thanh lịch và hoà bình.

"Đây còn là sự phản ánh cách thức tổ chức thiếu nguyên tắc, thiếu tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trực tiếp là du khách. Hành vi này còn làm giảm mức hấp dẫn khách của ngành du lịch, hình ảnh, uy tín và lợi ích lâu dài trong phát triển. Du lịch là ngành có triển vọng mang lại nguồn thu lớn và là ngành mũi nhọn cho nên vấn đề này cần được xử lý nghiêm minh để làm tình huống răn đe khả năng phát sinh trường hợp tương tự...", PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Cần xóa tận gốc nạn "chặt chém" du khách

Số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội đầu năm 2024 cho thấy, ngành du lịch Thủ đô đang có tín hiệu khởi sắc, ghi nhận những nỗ lực của Ngành du lịch Hà Nội trong việc xây dựng nhiều chương trình, sự kiện, sản phẩm mới hấp dẫn.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 4,23 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 890.000 lượt, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa đạt 3,34 triệu lượt, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng cao nên tổng thu từ khách du lịch đạt 16.416 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách (tăng 10,4% so với năm 2023). Trong đó, gồm 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú) và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99.770 tỉ đồng. Do vậy, việc nâng cao công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh du lịch cũng đang được Sở Du lịch tích cực triển khai ngay trong những tháng đầu năm.

Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'!- Ảnh 5.

Tại các điểm du lịch, công tác quản lý về an ninh trật tự đã có nhiều chuyển biến so với trước đây.Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo ý kiến của các chuyên gia du lịch, nhìn chung môi trường du lịch ở Thủ đô đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Những sự vụ gần đây được xem là "con sâu bỏ rầu nồi canh" và việc phát sinh những tiêu cực là điều khó tránh khỏi khi mà lượng khách du lịch tăng cao. Các ý kiến cũng cho rằng, cho dù chỉ là những sự vụ đơn lẻ, nhưng tác động trong thời đại thông tin lan tỏa mạnh mẽ trên các diễn đàn mạng xã hội lại gây hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến, đến môi trường du lịch Thủ đô. Do đó, cần triển khai các biện pháp hiệu quả để chấm dứt tình trạng này.

Đề cập đến giải pháp để hạn chế và giảm bớt tình trạng "chặt chém" du khách nêu trên, Giám đốc Công ty Du lịch Mặt Trời Việt Nam Sunvina travel Tạ Hữu Chiến cho rằng vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, bởi việc xử phạt liên quan đến giá cả cần sự vào cuộc của liên ngành như công khai giá niêm yết, xử lý phát sinh khi có kiến nghị của du khách, qua đó, tạo dựng văn hoá du lịch chuyên nghiệp, khiến du khách muốn quay trở lại những lần tiếp theo.

Bên cạnh đó, giáo dục tuyên truyền các cá nhân bán rong hay các cửa hàng ý thức về việc xây dựng uy tín, hình ảnh du lịch Việt Nam con người thân thiện mến khách cũng là việc cần thiết, nên làm. Thông qua tuyên truyền giáo dục thì cần có chế tài xử phạt thật nặng việc "chặt chém" khách để mang tính răn đe.

Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'!- Ảnh 6.

Hồ Hoàn Kiếm đặc biệt hấp dẫn đối với nhiều khách du lịch. Ảnh: VGP

Tương tự, theo quan điểm cá nhân ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm, thì trước hết là sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý, cần làm hết trách nhiệm để ngăn chặn tệ nạn này. Ngoài ra, cũng cần có những định hướng kinh doanh cho người dân song song với giáo dục về nhận thức, văn hóa ứng xử đối với du khách.

"Chúng ta cũng có thể tận dụng sức mạnh của truyền thông, qua các trang mạng xã hội để phê phán, điều chỉnh những hành vi "chặt chém" du khách. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền đến du khách khi có những vấn đề như vậy thì kịp thời trình báo cơ quan chức năng để xử lý, tránh trở thành một hiện tượng xấu mang tính phổ quát làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch Thủ đô", ông Nguyễn Đăng Thạo đề xuất.

Theo PGS - TS. Phạm Hồng Long, giải pháp để giải quyết tình trạng này phải có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng liên ngành. Cần có quy định những khu vực nào bán hàng và không được bán hàng để hạn chế tình trạng đối tượng "chặt chém" thường xuyên xuất hiện cũng là một giải pháp hiệu quả.

Vấn nạn "chặt chém", chèn ép du khách bắt nguồn từ thực tế đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn nên phải bán hàng rong để kiếm kế sinh nhai. Để giải quyết tận gốc vấn nạn này, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cần có sự quan tâm đề xuất đưa ra công việc làm ăn phù hợp hơn cho họ..

Muốn xóa bỏ tình trạng "chặt chém", cũng cần có chính sách quản lý bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa… một cách cụ thể trên trang web du lịch của tỉnh, thành phố. Đồng thời, nên thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải cương quyết phạt thật nặng, tước bỏ giấy phép kinh doanh, thậm chí đóng cửa cơ sở và đăng công khai trên các trang web du lịch.

Minh Anh-Minh Thúy

Bài 2: Để Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn và văn minh

Top