Đường Lâm: Gỡ khó giữa bảo tồn và phát triển

09/05/2018 4:32 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 12 năm được công nhận "Di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia", việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại Đường Lâm vẫn luôn là bài toán khó với các nhà quản lý để giải quyết thỏa đáng được vấn đề giữa bảo tồn và phát triển để phát huy được giá trị làng cổ mang tính chất đặc thù khi được gọi là "di tích sống" này.

Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Gia Huy

Khó nhất là quản lý trật tự xây dựng

Hơn 12 năm được xếp hạng, 5 thôn trong khu vực di tích làng cổ Đường Lâm có gần 1.500 hộ dân với hơn 6 nghìn nhân khẩu đang sinh sống. Không thể phủ nhận rằng làng cổ đến nay đã có những thay đổi rõ nét trong công tác quản lý, bảo tồn và đã bước đầu phát huy giá trị các di tích; ý thức trách nhiệm của cả người quản lý cả của người dân trong giữ gìn, bảo tồn di tích được nâng cao. Khi Đường Lâm được công nhận là xã nông thôn mới cũng góp phần thay đổi bộ mặt đời sống địa phương, một bộ phận người dân đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế và có thêm thu nhập từ tổ chức các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Là "di tích sống" với diện tích rộng, đông người dân nên việc bảo tồn di tích rất khó khăn, tạo sức ép lớn với di sản, việc giải quyết thỏa đáng giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán khó và mâu thuẫn tại làng cổ Đường Lâm.

Với vùng đất dày đặc các ngôi nhà cổ có tuổi đời trên trăm năm, việc sinh sống của người dân qua các đời, các thế hệ trong những ngôi nhà xuống cấp vẫn luôn và vấn đề đau đầu với các nhà quản lý và theo Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Đỗ Hùng Sơn, khó khăn nhất là quản lý về trật tự xây dựng.

Nhà của ông Phan Văn Dũng xây dựng năm 1854 hiện đang được Nhà nước bỏ kinh phí tu bổ. Ảnh: Gia Huy

Đối với dự án tu bổ, tôn tạo 10 ngôi nhà cổ, do những khó khăn về vốn, đến tháng 9/2017, UBND TP. Hà Nội mới bố trí được ngân sách, tháng 11/2017, thị xã Sơn Tây mới phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và đến nay đang triển khai tu bổ được 5 nhà cổ.

Là một trong các hộ được Nhà nước bỏ kinh phí tu sửa toàn bộ, ông Phan Văn Dũng (65 tuổi, thôn Mông Phụ) cho biết, ngôi nhà hộ gia đình ông đang sinh sống được xây dựng năm 1854 với kết cấu nhà 7 gian, trong thời gian chiến tranh 3 gian nhà bị đổ sập. Qua thời gian ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, mưa gió bị dột thường xuyên nhưng hiện nay đang được Nhà nước bỏ kinh phí tu sửa tôn tạo toàn bộ 4 gian nhà cũ, khôi phục lại 3 gian đã bị đổ.

"Được Nhà nước tu bổ lại, khôi phục lại 3 gian mới cho bằng 7 gian như trước tôi rất yên tâm", ông Phan Văn Dũng cho biết.

Ông Kiều Văn Thắng trong ngôi nhà cổ xây dựng năm 1762. Ảnh: Gia Huy

Tuy nhiên, Đường Lâm còn rất rất nhiều ngôi nhà cổ lâu năm đã xuống cấp người dân có nhu cầu tu bổ, tôn tạo lại. Hộ gia đình ông Kiều Văn Thắng, thôn Đồng Sàng là một ví dụ, ông Thắng cho biết, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1762, qua thời gian dài đã cuống cấp trầm trọng bởi tường nhà bằng đất, vỉ kèo đỡ mái ngói làm bằng tre nay đã mục.

"Gia đình là nông dân nhiều đời nên chúng tôi không có khả năng tu sửa toàn bộ, năm ngoái gia đình mới tự tu sửa được phần mái ngói gian giữa, ngôi nhà này nếu để nguyên thì như vậy nhưng dỡ ra là mục nát bởi thời gian quá dài, nhà xuống cấp rất ảnh hưởng sinh hoạt. Chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ tu sửa để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho gia đình", ông Kiều Văn Thắng cho biết.

Phải để người dân thấy có lợi từ giá trị di tích

"Những khó khăn bất cập trong 12 năm quản lý Đường Lâm phải nói là rất nhiều", Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn cho biết tại hội thảo về kết quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm mới được tổ chức tại thị xã Sơn Tây.

Theo ông Sơn, sau khi được công nhận là di tích, nhận thức người dân rất rõ ràng trong việc cần thiết phải bảo tồn làng cổ, người dân cũng rất đồng tình với chủ trương bảo tồn, quyết tâm giữ gìn làng cổ. Tiêu biểu là trước đây người dân xây dựng không xin phép nhưng sau khi có việc bảo tồn người dân rất ý thức trong xin phép xây dựng.

Khó khăn lớn nhất trong theo ông Sơn là về quản lý trật tự xây dựng, bởi từ khi được công nhận, tại làng cổ, nhà muốn cơi nới, xây dựng phải có sự thỏa thuận, cấp phép của cơ quan chức năng, tuân thủ quy định chiều cao, khoảng lùi, thiết kế… để phù hợp với không gian, cảnh quan, kiến trúc. Theo quy định, khu vực bảo tồn 1 chỉ được xây 1 tầng, khu vực 2 được xây 2 tầng trong khi đó số người sinh sống trong một ngôi nhà ngày càng tăng, diện tích nhà lại không được mở rộng, nhà cổ xuống cấp khiến người dân rất khó khăn trong sinh hoạt.

Để thực hiện quản lý và bảo tồn, để cấp phép xây dựng các công trình, nhà ở riêng lẻ, 20 mẫu nhà cổ đã được thiết kế mẫu và đến nay Ban quản lý đã tư vấn, hướng dẫn cho 174 hộ, thiết kế 143 mẫu nhà miễn phí cho người dân có nhu cầu cấp phép xây dựng.

Mỗi năm Đường Lâm đón hơn 17 nghìn khách thăm quan, nhưng đến nay mới có 10% số hộ có thu nhập từ du lịch. Ảnh: Gia Huy

Khó khăn tiếp nữa theo ông Sơn là việc phát huy giá trị di tích. "Bất cập ở chỗ Đường Lâm là di tích sống, người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp. Nếu theo kế hoạch đặt ra thì đến năm 2015 có ít nhất là 45% người dân làm dịch vụ du lịch, tuy nhiên đến nay mới có 10% người dân làm dịch vụ du lịch", ông Sơn cho biết. Như vậy, trung bình mỗi năm Đường Lâm đón hơn 17 nghìn khách thăm quan, nhưng đến nay mới có 10% số hộ có thu nhập từ du lịch.

Nguyên nhân là chuyển đổi từ nông nghiệp sang dịch vụ còn chậm, người dân cũng chưa biết cách làm du lịch dù thị xã cũng đã có nhiều lớp tập huấn, đưa người dân đi học tập mô hình du lịch, mô hình homestay, mời chuyên gia, mời công ty lữ hành về để hỗ trợ người dân, cho người dân vay tiền... Về sản phẩm du lịch, nơi đây mới có một số sản phẩm như: Chè xanh của hộ dân Cam Lâm, chè lam, kẹo lạc... còn lại các sản phẩm đặc thù khác chưa nhiều.

"Phải để người dân thấy có lợi từ phát huy giá trị di tích, khi người dân có lợi thì họ sẽ tự giác bảo tồn di tích", Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm chia sẻ.

Từ năm 2017, thị xã Sơn Tây đang tập trung xây dựng kế hoạch điều chỉnh khoanh vùng di tích làng cổ Đường Lâm. Ông Sơn cho biết, việc điều chỉnh khoanh vùng di tích có mục tiêu điều chỉnh giảm khu vực II của di tích, tạo khoảng lùi là vùng đệm để người dân xây dựng phát triển du lịch.

Xã Đường Lâm gồm 11 thôn, trong đó có 5 thôn được công nhận làng cổ (thôn Mông Phụ là thôn thuộc khu vực bảo tồn 1 có diệc tích khoảng 14 ha). Cuối năm 2005, với quần thể di tích có mật độ dày đặc (50 di tích có giá trị, bao gồm 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh) cùng gần 100 ngôi nhà cổ cá giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1 nghìn ngôi nhà truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng cổ Đường Lâm được xếp hạng "Di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia".

Bài 2: Tìm giải pháp tháo gỡ cho Đường Lâm

Hòa An

Top