Đường sắt đô thị ở Hà Nội: Khởi đầu cho một phương thức vận tải mới

26/09/2018 2:36 PM

(Chinhphu.vn) - Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước sẽ đi vào hoạt động. Đây là sự khởi đầu cho một phương thức vận tải mới cho giao thông Thủ đô.

Tuyến ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông chính là sự khởi đầu của phương thức vận tải của giao thông Thủ đô. Ảnh: Thùy Linh

Sáng 26/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và báo Kinh tế & Đô thị tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị ở Hà Nội”.

Phát biểu tại buổi giao lưu trực truyến, ông Nguyễn Minh Đức-Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết, từ lâu, đường sắt đô thị được xem như xương sống của hệ thống giao thông vận tải tại các đô thị lớn, hiện đại trên thế giới. Tại Hà Nội, nhu cầu phát triển mạng lưới đường sắt đô thị lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thành phố luôn phải đối diện với vấn nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

“Chương trình hôm nay là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý tiếp thu, trao đổi thông tin về đường sắt đô thị với người dân Hà Nội. Đồng thời cũng là dịp để giới thiệu hình ảnh thực tế của đường sắt đô thị đến nhân dân Thủ đô, trực tiếp thông qua minh chứng cụ thể là tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông”, ông Đức chia sẻ.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội cho biết, ưu tiên phát triển giao thông công cộng mà nóng cốt là các phương tiện vận tải nhanh là vấn đề cấp thiết đặt ra cho TP Hà Nội cũng như TPHCM, bởi đây là phương thức tiện lợi và hiện đại. Và đây cũng là phương thức để tạo ra văn hóa giao thông đô thị theo hướng văn minh.

Sự ra đời của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội để quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội thể hiện quyết tâm chính trị cao của Thành phố nhằm tạo ra một đơn vị chuyên nghiệp giúp cho giao thông Thủ đô đột phá.

“Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước sẽ đi vào hoạt động. Đây là sự khởi đầu cho một phương thức vận tải mới cho giao thông Thủ đô”, ông Trường nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho việc vận hành và khai thác tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, công ty đã tích cực đào tạo nhân lực cũng như cơ sở vật chất cần thiết. Trong đó khâu truyền thông được trú trọng nhằm quảng bá tuyến đường sắt này đến với người dân.

Ông Vũ Hồng Trường cho biết, công ty đã đưa ra 110 quy trình, quy định cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Để chuẩn bị cho công tác vận hành tuyến đường sắt đô thị này, Hà Nội và công ty đã tiếp cận dự án cách đây hơn 3 năm. Trong thời gian đó, sự phối hợp giữa Bộ GTVT và Hà Nội, đặc biệt là giữa các cơ quan liên quan được triển khai rất hiệu quả, tích cực.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Thùy Linh

Truyền thông giúp người dân sử dụng dịch vụ một cách hiệu quả

Phát biểu tại buổi giao lưu, GS. TS Từ Sỹ Sùa, Đại học Giao thông vận tải cho biết, các giải pháp phát triển đô thị bền vững cần lấy đường sắt làm nòng cốt. Tàu điện vốn là sản phẩm từ cuộc cách mạng công nghiệp 1.0. Tại Việt Nam, hệ thống đường sắt đã tồn tại gần 90 năm, cho đến nay không còn đáp ứng được tiêu chí an toàn, vốn là tiêu chuẩn hàng đầu của hàng khách khi lựa chọn phương tiện giao thông.

“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội triển khai tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông rất đáng hoan nghênh. Với tư cách người dân, tôi rất ủng hộ và mong muốn trải nghiệm, đồng thời kỳ vọng các nhà cung cấp dịch vụ vận tải theo tiêu chí an toàn, thuận thiện, nhanh chóng và giá cả hợp lý”, GS. TS Từ Sỹ Sùa nói.

GS.TS Bùi Xuân Phong, Hội Kinh tế-Vận tải Đường sắt Việt Nam cũng chia sẻ thêm, thông tin từ hội nghị hôm nay cho thấy các bên liên quan, đặc biệt là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã có sự chuẩn bị trong công tác triển khai dự án này.

Đây là dự án mới với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, do đó không thể tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên với sự chuẩn bị, ủng hộ của người dân và lãnh đạo của Thành phố thì tin rằng dự án sẽ thành công, góp phần phát triển đô thị Hà Nội.

Tuy nhiên GS.TS Bùi Xuân Phong mong muốn, các cơ quan nhà nước, chính quyền Thành phố và các bên liên quan cũng cần quan tâm tới công tác truyền thông của dự án để bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ vận tải một cách hiệu quả. 

Thùy Linh

Top