Đường sắt trên cao: Góp phần giảm ùn tắc giao thông

01/10/2018 4:41 PM

(Chinhphu.vn) - Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước và Hà Nội nên được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả, phục vụ đi lại thuận tiện cho người dân và góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Đường sắt trên cao sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Bích Phương

Cả tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13,1 km, có 12 ga và 13 đoàn tàu, trong đó 10 đoàn tàu vận hành thường xuyên, 2 đoàn tàu bảo dưỡng định kỳ và 1 đoàn tàu dự phòng. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, chiều dài khoảng 80m, sức chứa 1.000 hành khách/lượt, năng lực vận chuyển toàn tuyến ước tính gần 200 nghìn lượt hành khách/ngày.

Các chuyên gia giao thông đánh giá, tuyến vận tải này bước đầu sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía tây Thủ đô, mang lại một diện mạo mới cho giao thông đô thị Hà Nội. Nhưng quan trọng hơn, sẽ tạo ra thói quen và nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, từng bước giải quyết tình trạng tắc đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường,...

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, tuyến đường sắt đô thị là “mạch máu” giao thông công cộng của đô thị bởi năng lực vận chuyển nhanh, mỗi chuyến vận chuyển hàng nghìn lượt hành khách. Việc giảm ùn tắc ngay sau khi vận hành tuyến đường sắt là hoàn toàn có thể, tuy nhiên phải có thời gian để kết nối, chỉnh lại lộ trình của các tuyến xe buýt, kết nối với hạ tầng khu vực xung quanh tạo thuận tiện cho người dân đi lại.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, sự xuất hiện của đường sắt đô thị là cơ hội lớn để xe buýt nâng cao sản lượng, mở rộng mạng lưới tuyến. Chẳng hạn như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ thu hút, chuyển tải lượng hành khách rất lớn, hàng trăm nghìn người mỗi ngày. Việc tạo ra một tuyến đường đông đúc người dân qua lại thường xuyên sẽ tạo nên một hành lang rất thuận tiện để phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại trên tuyến cửa ngõ Tây Nam Thủ đô.

Như vậy, càng đông người dân đi - đến khu vực xung quanh đường sắt đô thị thì nhu cầu sử dụng xe buýt để trung chuyển sẽ càng lớn, là động lực, điều kiện thuận lợi để không chỉ xe buýt mà các loại hình vận tải công cộng khác cùng phát triển.

Kết nối khá tốt với các tuyến buýt hướng ngoại thành

Nói về việc kết nối đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông với các phương tiện công cộng khác, mới đây, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội vận hành như thế nào?”, ông Chu Quang Trung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho rằng, việc kết nối của tuyến đường sắt trên cao với các phương tiện khác, trong đó có xe buýt là rất quan trọng. Nếu kết nối thuận tiện, tàu điện trên cao sẽ thu hút sự quan tâm và nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Trung cũng cho biết, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội. “Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kết nối khá tốt với các tuyến buýt hướng ra ngoại thành theo các trục Quốc lộ 6, Quốc lộ 21B. Sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt nói trên có vai trò gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông”, ông Trung nhấn mạnh.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo phương án sẽ có khoảng 30 tuyến buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với 12 nhà ga. Trong số này có 5 tuyến song hành sẽ được điều chỉnh giảm 50% dịch vụ, tương đương với giảm 20 xe/giờ/hướng, tăng tần suất của 3 tuyến kết nối với ga Yên Nghĩa (72, 91, 102), mở thêm 3 tuyến từ ga Yên Nghĩa tới các khu vực chưa có xe buýt.

Việc tổ chức kết nối buýt theo phương án trên sẽ tạo điều kiện kết nối cho hành khách từ các nhà ga của đường sắt đến các vị trí khác nhau trong thành phố, giảm lượng xe buýt trên tuyến. Giao thông đi bộ dọc hành lang và quanh các nhà ga sẽ được cải thiện, 10/12 ga sẽ bố trí diện tích để hành khách gửi xe đi tàu.

Sở GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu khảo sát để tăng cường kết nối trên phạm vi toàn mạng lưới, để hành khách có thể đi tới các vị trí khác nhau trên thành phố, với phương châm sử dụng ít tuyến nhất và thời gian ngắn nhất.

Đồng thời, cải tạo các điểm giao thông tĩnh tại các điểm dừng, nhà ga trên toàn mạng lưới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trung chuyển từ phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng vận tải hành khách công cộng và ngược lại, góp phần giảm áp lực giao thông trên tuyến cửa ngõ Tây thành phố. Khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức đưa vào khai thác, chắc chắn khu vực này sẽ bớt quá tải và giảm ùn tắc giao thông.

Bích Phương

Top