EVFTA: Thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư giữa Hà Nội với EU

06/08/2020 2:18 PM

(Chinhphu.vn) – Trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Hà Nội vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 998 triệu USD và giảm 2,5% so với cùng kỳ. Qua việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ thúc đẩy sự phát triển thương mại và đầu tư giữa Hà Nội với EU.

Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Sáng 6/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA.

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, EU hiện có 23/27 quốc gia đang đầu tư vào TP. Hà Nội với tổng số vốn là 4,16 tỉ USD, chiếm khoảng 10 % trên tổng số 46 tỉ USD của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Hà Nội. Tuy nhiên, các lĩnh vực đầu tư của các nước EU chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cũng như sản xuất hàng hóa có công nghệ cao.

TP. Hà Nội hằng năm xuất khẩu sang EU chỉ chiếm tỷ trọng từ 12%-15 % tổng số hàng xuất khẩu của Hà Nội và chủ yếu là giày dép, da giầy và một số loại rau củ, quả chất lượng cao và hàng điện tử. Trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Hà Nội vào thị trường EU đạt 998 triệu USD và giảm 2,5% so với cùng kỳ. Qua việc triển khai hiệp định này sẽ thúc đẩy sự phát triển thương mại và đầu tư giữa Hà Nội với EU.

Vì vậy, trong thời gian qua, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã dự thảo và xây dựng kế hoạch về việc triển khai toàn diện liên quan đến xúc tiến đầu tư cũng như hợp tác giữa TP. Hà Nội với các nước EU, đặc biệt là với các địa phương, các nước mà đã có quan hệ lâu dài, truyền thống với TP. Hà Nội.

Trong đó, trọng tâm là tăng cường về cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư từ EU vào Hà Nội, nhất là xúc tiến đầu tư các dự án chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, dược và sản xuất các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành liên quan đến sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, hải sản của Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội để thúc đẩy các chương trình về việc chuyển giao công nghệ cũng như mua bán công nghệ, dây chuyền sản xuất trên tinh thần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như triển khai thí điểm ứng dụng, số hóa nền kinh tế và ứng dụng các công nghệ của ngành công nghiệp 4.0 vào trong quá trình sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, dịch vụ trên địa bàn Thành phố.

Xác định EU là thị trường trọng điểm về xúc tiến đầu tư, du lịch

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thị trường EU hiện nay đứng thứ tư về khách du lịch đối với Hà Nội, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay có giảm. Trong tương lai thì đây vẫn là một thị trường truyền thống, khách du lịch tiêu dùng nhiều hơn so với các du lịch khác. Vì vậy, Hà Nội luôn xác định EU là một trong những thị trường trọng điểm về xúc tiến đầu tư, về quảng bá cũng như xúc tiến về du lịch.

Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh sản xuất các cơ sở hạ tầng dịch vụ. Vừa qua, một số đơn vị tư nhân của Hà Nội đã khánh thành các trung tâm thương mại logistics mà có các dây chuyền tiếp nhận và phân loại hàng hóa theo những công nghệ của EU, được EU xác nhận đạt tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó, tiếp nhận và phân phối theo thương mại điện tử, phát triển thương mại điện tử và nhằm giảm chi phí, từ đó tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp của Hà Nội.

Đặc biệt, Hà Nội xác định sau khi hiệp định này được triển khai, các dòng thuế tiêu thụ giảm, Thành phố sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư để trên cơ sở đó gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Trong 2 năm qua, tỷ trọng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI vào thị trường EU  từ 55% hiện nay giảm xuống còn  46%. Các doanh nghiệp của Hà Nội xuất khẩu hàng vào EU đã tăng từ 46% lên 54,5%.

“Có thể nói, đây là những tín hiệu đáng mừng khi các doanh nghiệp của Hà Nội cũng đã thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất và tiêu chuẩn lao động đáp ứng được yêu cầu, các tiêu chuẩn đối với thị trường EU”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết, EU là một thị trường khó tính, muốn xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường EU phải bảo đảm về chất lượng về hàng hóa, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn lao động là rất khắt khe. Chính vì vậy, TP. Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp về các yêu cầu, nội dung trong toàn bộ quy trình sản xuất cũng như các tiêu chuẩn để từ đó giúp cho các doanh nghiệp của Hà Nội nâng cao được năng lực cạnh tranh và xuất khẩu được nhiều hơn.

“Chúng tôi luôn xác định thị trường EU là thị trường quan trọng về đầu tư nước ngoài đối TP. Hà Nội. Chính vì vậy, Thành phố sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư từ EU, trong đó trọng tâm là liên quan đến các ngành dược phẩm, các ngành có kỹ thuật công nghệ cao”, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Gần đây, Thành phố cũng đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các startup để liên hệ và hợp tác trong lĩnh vực liên quan đến xây dựng và hệ thống các chuỗi hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố hợp tác với một số thủ đô của các nước EU.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị, trên cơ sở nội dung hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành kế hoạch, đề nghị các bộ, ban, ngành sớm có hướng dẫn để các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội dễ triển khai. Qua đó nâng cao hiệu quả của các nội dung và hợp tác của hiệp định này.

Thùy Linh

Top