Gia tăng xu hướng nhiễm HIV qua đường tình dục

21/11/2017 3:42 PM

(Chinhphu.vn) - Đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, về đường lây truyền HIV, qua giám sát phát hiện, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng từ 14,5% năm 2005 lên 47,1% năm 2017.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Lã Thị Lan (đứng) thông tin tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Đa số nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi từ 25-49

Chiều 21/11, bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội, hiện tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS đang còn sống là 20.033 trường hợp. Trong 9 tháng của năm 2017, số trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện là 982 trường hợp, số tử vong là 88 trường hợp. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS trên 100 nghìn dân là 226 người/100.000 dân.

Cũng theo bà Lã Thị Lan, hiện trên địa bàn Hà Nội có 100% quận, huyện có người nhiễm HIV, 554/584 xã/phường/thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (94,9%). Số người nhiễm HIV trên toàn Thành phố vẫn tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành như: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên...

Trong số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện 9 tháng đầu năm thì tỷ lệ lây nhiễm qua đường máu chiếm 52,3%; lây qua đường tình dục chiếm 47,1%; lây truyền từ mẹ sang con chiếm 0,6%. Tỷ lệ nam giới trong số người nhiễm HIV được phát hiện chiếm 70,4%. Theo bà Lan, đa số người nhiễm HIV trên địa bàn Hà Nội ở lứa tuổi trẻ, số nhiễm HIV/AIDS trong nhóm tuổi từ 24-49 là 77,8%.

Dự báo tình hình HIV/AIDS đến năm 2020, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, kết quả phân tích ước tính và dự báo của mô hình châu Á (AEM) do các nhóm chuyên gia thực hiện, ước tính số người nhiễm HIV tại TP. Hà Nội đến năm 2020 là khoảng 27.132 người.

Nhiều hoạt động trong Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS

Theo Sở Y tế Hà Nội, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2017 đã được triển khai trên địa bàn bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV được thực hiện qua chương trình can thiệp bao cao su (tiếp thị xã hội) và bơm kim tiêm bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã và hơn 500 xã, phường, thị trấn. Các đơn vị chức năng đã cấp phát hơn 1,7 triệu chiếc bơm tiêm miễn phí cho người nghiện chích ma tuý, trên 260 nghìn chiếc bao cao su miễn phí cho phụ nữ mại dâm và nam có quan hệ tình dục đồng giới.

Tuy số lượng bao cao su được phát miễn phí hàng năm rất lớn nhưng theo bà Lã Thị Lan: "Chúng tôi không thể đánh giá những người được phát có sử dụng hay không, vì vậy hình thức phát miễn phí đã được chuyển sang tiếp thị xã hội với giá rẻ. Đây là xu hướng tất yếu và có hiệu quả hơn để người dân mua và sử dụng bao cao su".

Đối với chương trình Methadone, Hà Nội hiện có 18 cơ sở Methadone hoạt động ổn định, hiệu quả góp phần tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tính đến hết tháng 9/2017, tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone của toàn TP. Hà Nội là 4.799 bệnh nhân (đạt 73,8% so với kế hoạch được giao). Bà Lan cho biết, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã mang lại những kết quả tích cực cho bệnh nhân trong quá trình cai nghiện, giúp bệnh nhân điều trị an toàn, tăng thể trạng sức khoẻ, giảm sử dụng heroin, thay đổi hành vi nhận thức, giảm tội phạm do người nghiện gây ra.

Nhằm tăng cường phát hiện người nhiễm HIV, từ năm 2017, ngành Y tế Hà Nội đã mở rộng xét nghiệm sàng lọc HIV tại tuyến xã, phường và kết hợp với các tổ chức phi Chính phủ (NGO) thực hiện xét nghiệm tại cộng đồng. Hiện đã có 102 xã/phường, 14 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tuyến huyện. Số mẫu được xét nghiệm tại cơ sở là trên 31 nghìn mẫu, phát hiện 532 ca HIV dương tính, trong đó có 238 ca dương tính mới. Ngoài ra, tại các bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm HIV khi bệnh nhân có nhu cầu với trên 90 nghìn ca dương tình, phát hiện 808 ca nhiễm HIV.

Về Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS của TP. Hà Nội, bà Lã Thị Lan cho biết, năm 2017, Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS của Hà Nội tập trung vào chủ đề "Xết nghiệm HIV sớm-Hướng tới mục tiêu 90-90-90" vào năm 2020. Các hoạt động chủ yếu trong tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS của TP. Hà Nội tập trung vào hội nghị, hội thảo về: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng; đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS... Trong đó, lễ phát động tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được tổ chức ngày 22/11/2017 tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông tại cơ sở, tập trung vào các chủ đề: Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; lợi ích tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm hành vi có nguy cơ cao; lợi ích điều trị bằng thuốc ARV, lợi ích tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương.

Gia Huy

Top