Giải bài toán chất thải trong chăn nuôi

20/10/2020 8:54 AM

(Chinhphu.vn) - Những năm gần đây, phát triển trang trại chăn nuôi đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, người dân cũng đang đối mặt với thách thức không nhỏ về mức độ ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra. Để khắc phục thực trạng trên, cần có những biện pháp đồng bộ, những cách làm hay cho việc xử lý nguồn thải này.

Lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia cầm khoảng 600 nghìn tấn/năm. Ảnh: Thành Nam

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hà Nội có 25,5 nghìn con trâu; 139,6 nghìn con bò; đàn lợn 1760 nghìn con; đàn gia cầm 38 triệu con. Với số lượng chăn nuôi ở Hà Nội hiện nay, tổng lượng chất thải rắn ra từ chăn nuôi gia súc khoảng trên 2,5 triệu tấn/năm, lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia cầm khoảng 600 nghìn tấn/năm.

Đặc biệt trong chăn nuôi ô nhiễm nước thải chủ yếu từ sản xuất chăn nuôi lợn. Theo tính toán của các nhà khoa học, chăn nuôi lợn thải bình quân ra môi trường khoảng 24 lít/con/ngày như vậy đối với Hà Nội, cả năm có trên 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đỗ Quý Hùng nhận định, hiện công tác thu gom chất thải chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải…

Trước thực tế đó, nhiều chính sách và công nghệ xử lý ô nhiễm chất thải chăn nuôi đã và đang được nhiều địa phương áp dụng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điển hình như tại huyện Ba Vì; chăn nuôi là thế mạnh của huyện, tuy nhiên chất thải từ chăn nuôi đã khiến huyện đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Ba Vì đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, bước đầu mang lại kết quả tích cực.  

Tại xã Vân Hòa - một trong những xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm của huyện Ba Vì với gần 800 hộ chăn nuôi, tổng số hơn 4.500 con bò sữa. Bình quân mỗi ngày mỗi con bò thải ra khoảng 7kg đến 10kg phân, 100lít đến 200 lít nước tiểu và nước tắm, rửa chuồng... Nhằm xử lý lượng chất thải, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở xã chọn cách xây hố chứa chất thải của đàn bò, sau đó bổ sung men vi sinh, chất khử mùi hôi tạo giá thể để nuôi giun quế phục vụ chăn nuôi gia cầm. Sau khi thu hoạch giun, các hộ tự chế biến hoặc bán chất thải của giun cho cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ...

Hay như ở xã Minh Châu, hiện có 885 hộ chăn nuôi 4.357 con bò sữa và bò thịt. Ngoài ra, hơn 100 hộ chăn nuôi 7.775 con lợn, 24.673 con gia cầm nên lượng thải ra rất lớn. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ huyện hướng dẫn việc chăn nuôi trọng điểm kỹ thuật xử lý chất thải. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải của đàn bò. Từ ngày làm hầm biogas, mùi hôi và ruồi, muỗi do chất thải chăn nuôi gây ra đã giảm đáng kể. Không những vậy, nhiều gia đình còn tiết kiệm 200.000 đồng đến 300.000 đồng mua nhiên liệu đun nấu, nhờ sử dụng khí gas từ hầm biogas sinh ra.

Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì cho biết, ngoài hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, làm phân hữu cơ..., huyện tập trung xây dựng quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; đề xuất các cấp, các ngành của thành phố cơ chế hỗ trợ người dân trong xử lý chất thải chăn nuôi tạo thành sản phẩm hữu ích cho cây trồng, giúp môi trường của huyện ngày càng trong lành hơn.

Thực tế cho thấy, để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải pháp căn cơ nhất là chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, ứng dụng công nghệ xử lý sinh học... Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) cho biết, trang trại đã lấy chất thải từ hàng nghìn con lợn để nuôi trùn quế, lấy phân bón cho các vườn rau hữu cơ. Hiện, mỗi năm trang trại xử lý 30.000 tấn chất thải, cho sản lượng hơn 10.000 tấn phân trùm quế và 5.000 tấn sinh khối trùn giống. Bà Hoa đề xuất, Thành phố hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ trùn quế để tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Về giải pháp tổng thể, theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, đối với các địa phương thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của HĐND Thành phố ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội, chính quyền cần có giải pháp sớm triển khai thực hiện.

Với các địa phương khác cần tuyên truyền, vận động người dân không chăn nuôi trong khu dân cư; có cơ chế, tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, mở hướng làm ăn mới cho nông dân. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại không để ảnh hưởng đến môi trường, đời sống nhân dân; kiên quyết không cấp phép và xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp, trang trại không bảo đảm các biện pháp bảo vệ môi trường.

Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ở 15 vùng chăn nuôi tập trung và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP. Đây cũng là giải pháp mang tính dài hạn để hướng đến mục tiêu kép là bảo đảm an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Thành Nam

Top