Giải pháp cải thiện ô nhiễm đô thị tại Hà Nội

01/10/2019 3:25 PM

(Chinhphu.vn) - Những ngày qua, người dân Hà Nội lo ngại khi chỉ số ô nhiễm không khí của Thủ đô có lúc vượt ngưỡng 300. Các chuyên gia môi trường cảnh báo, bầu không khí bị ô nhiễm đã tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội khi sáng sớm - Ảnh; Zing

Về tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội và một số thành phố lớn hiện nay, đại diện Cục Quản lý đô thị, Bộ Xây dựng nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tốc độ đô thị hóa nhanh, sự tăng nhanh các hoạt động sản xuất kinh tế, đầu tư xây dựng, giao thông... trong đó cũng có ý thức của cư dân đô thị.

Đối với các công trình thi công xây dựng trong lòng thành phố, Bộ Xây dựng cũng đã có những quy định về bảo vệ môi trường. Các chủ đầu tư, các nhà thầu trong quá trình thì công cũng phải đáp ứng những điều kiện, quy định rõ ràng. Các Sở Xây dựng hiện đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng trên địa bàn. Đây là những việc làm được xúc tiến ngay, trước mắt.

Còn về lâu dài, Bộ Xây dựng đã tổ chức triển khai 3 nhóm biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển đô thị tăng trưởng xanh, bền vững. Ngay từ năm 2014, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Xây dựng đã cụ thể hoá kế hoạch từng bước của cả nước để có giải pháp căn cơ, giải quyết từ gốc vấn nạn ô nhiễm, hạn chế những tác động tới môi trường, ảnh hưởng tiêu cực tới tự nhiên trong quá trình phát triển kinh tế.

Cụ thể, đó là việc lồng ghép vào trong công tác quy hoạch đô thị, định hướng theo quy hoạch, giảm thiểu vấn đề giao thông con lắc, đi lại giữa các khu vực, lồng ghép với các vấn đề biến đổi khí hậu; tăng cường các chương trình đầu tư để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh; quản lý đô thị hướng tới tăng trưởng xanh.

Trong nhóm nghiệp vụ quản lý đô thị, Bộ Xây dựng cũng đã ký ban hành Thông tư số 1/2018/TT-BXD hướng dẫn các đô thị tiến hành giám sát định kỳ môi trường tại các đô thị với 24 chỉ tiêu.

Đại diện Cục Phát triển đô thị nhận định, đây là một nhiệm vụ khó với các thành phố lớn trong bối cảnh ngổn ngang các việc phải lo nhưng đáng mừng là Hà Nội đã tiên phong thực hiện. Tới nay, Hà Nội đã hoàn thành được bản báo cáo đầu tiên, đo đếm cụ thể theo 24 tiêu chí giám sát môi trường. Việc giám sát thực hiện đưa ra những con số chi tiết như tính xem một năm Hà Nội có bao nhiêu dự án xanh, dự án phát triển môi trường, có bao nhiêu xe đạp được sử dụng mới để giảm thiếu các phương tiện phát thải, tỷ lệ bao nhiêu phương tiện không phát thải được sử dụng…

Cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng, từng bước, trong thời gian không xa, Hà Nội, TPHCM sẽ quản lý tốt hơn môi trường. Hiện tại, nhiều thành phố lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng đã và đang lập tiêu chí giám sát về môi trường tại đô thị.

Thùy Chi

Top