Giải pháp chiến lược hướng tới phát triển bền vững ngành nông nghiệp

11/05/2020 3:12 PM

(Chinhphu.vn) - Phát triển chuỗi liên kết nông sản là giải pháp chiến lược hướng tới phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Do đó, thời điểm này, ngay khi dịch Covid-19 được khống chế, cần thúc đẩy các giải pháp phát triển chuỗi liên kết lớn để nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tìm hướng đi mới cho sản phẩm nông nghiệp.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện thành phố Hà Nội có 138 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phân phối tại 110 siêu thị, hơn 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Trung bình mỗi ngày các chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn... Ở thời điểm hiện tại, khi các nhà hàng, bếp ăn tập thể... hoạt động trở lại, cũng là lúc các chuỗi tập trung gia tăng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết.

Không phải chỉ khi có dịch Covid-19, Hà Nội mới tăng cường xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác về mà gần 5 năm nay, ngành nông nghiệp Thủ đô đã thúc đẩy liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Đến nay, Hà Nội và các địa phương khác đã phát triển được 766 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Hiện tại, mỗi ngày có hàng nghìn tấn nông sản của các tỉnh, thành phố được chuyển về tiêu thụ tương đối ổn định tại Hà Nội thông qua các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối. Chẳng hạn như, tỉnh Hà Nam cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 41,6 tấn nông sản, thực phẩm/ngày; Hòa Bình cung cấp 0,5 tấn rau/ngày, 6,9 tấn thịt lợn/ngày, 2,7 tấn thịt gà/ngày… Ngoài ra, có hơn 200 nhà cung cấp đã kết nối trực tiếp, đưa sản phẩm từ các địa phương khác về tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ hiện đại như: Siêu thị Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op, Hapro...

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp sản xuất và liên kết cung ứng nguồn nông sản cho Hà Nội như vậy, có thể nói, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội cũng bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên cũng thẳng thắn nhìn nhận, các chuỗi vẫn có những hạn chế nhất định, đó là tình trạng tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian nên giá bán thực tế cao hơn so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất; sức cạnh tranh của các chuỗi chưa cao. Công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các chuỗi còn yếu. Việc nhận diện sản phẩm an toàn tham gia chuỗi còn gặp nhiều khó khăn…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi hàng hóa

Phát triển chuỗi liên kết nông sản là giải pháp chiến lược hướng tới phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. Do đó, thời điểm này, ngay khi dịch Covid-19 được khống chế, cần thúc đẩy các giải pháp phát triển chuỗi liên kết lớn để nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tìm hướng đi mới cho sản phẩm nông nghiệp.

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho rằng, trước mắt cơ quan chức năng của thành phố cần triển khai các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi tại hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các kênh phân phối ngoài thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ...

Cùng với các giải pháp hỗ trợ của Thành phố, các địa phương cũng cần chủ động phát triển các chuỗi thông qua những sản phẩm có thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điển hình như huyện Đông Anh, năm 2020, huyện phấn đấu có 40-45 sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.

Để xây dựng chuỗi từ các nhóm mặt hàng thế mạnh này, huyện đã xây dựng website và gắn tem truy xuất nguồn gốc QRcode cho gần 600 sản phẩm các loại tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến. Đây là cơ sở để huyện phân loại cũng như hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hình thành kênh phân phối, liên kết đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi hàng hóa…

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sản xuất theo chuỗi được ngành nông nghiệp xác định là “chìa khóa” để khôi phục cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp cần trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô thì phát triển chuỗi là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, trước mắt, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư thiết yếu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm cho các đơn vị khi tham gia sản xuất theo chuỗi; đồng thời hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao...

Thành Nam

Top