Giải pháp đưa Hà Nội thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước

05/11/2018 2:12 PM

(Chinhphu.vn) - Cơ sở hạ tầng chưa tương xứng, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics còn chồng chéo, thiếu tính ổn định, nguồn nhân lực thiếu chuyên nghiệp… đang làm chậm sự phát triển ngành dịch vụ logistics của Hà Nội. Do đó, để thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước, Hà Nội cần có những chính sách và giải pháp phù hợp.

Cảng nội địa (ICD) Mỹ Đình. Ảnh: Internet

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ này; trong đó, 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động tích cực. Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Ngành nghề kinh doanh chính của các doanh nghiệp dịch vụ logistics gồm dịch vụ vận tải, kho bãi, cảng biển, ICD, trung tâm dịch vụ logistics, ga hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa, giao nhận vận tải, đại lý vận tải, đại lý tàu biển, đại lý hải quan, đại lý phát chuyển nhanh và các dịch vụ logistics khác có liên quan.

Với diện tích 3.324,92 km2 cùng dân số 8.215.000 người (số liệu năm 2018), Hà Nội đang là một trong những địa phương dẫn đầu về đầu tư FDI; 8 tháng của năm 2018, Hà Nội thu hút 5,93 tỷ USD.

Cùng với kết cấu hạ tầng đồng bộ (đường bộ, đường sắt, đường sông và sân bay quốc tế), Hà Nội là đầu tàu trong liên kết kinh tế vùng, có nhiều công ty hoặc đại diện các công ty dịch vụ logistics lớn trong nước và nước ngoài hoạt động…Do đó, Hà Nội có đủ điều kiện phát triển thành trung tâm dịch vụ Logistics của cả nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, thiếu quỹ đất,… đã làm chậm sự phát triển logistics của Hà Nội.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Delta International nêu quan điểm, vận tải liên tỉnh đến Hà Nội có khối lượng lớn chiếm 55% tổng lưu lượng hàng hóa lưu chuyển thì Hà Nội cũng chính là trung tâm logistics của cả nước. Phân tích con số cụ thể, ông Nghĩa cho hay, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, lượng hàng hai chiều trên cùng một tuyến vận tải là khá cân bằng (Hà Nội - Hải Phòng là 19% và ở chiều ngược lại Hải Phòng – Hà Nội là 21%). Như vậy, nếu có 1 trung tâm logistics ở cả 2 đầu Hà Nội – Hải Phòng sẽ loại bỏ đi một cách căn bản xe “chạy rỗng” trên đường, giúp giảm chi phí không chỉ doanh nghiệp mà còn toàn xã hội. Nhưng chúng ta chưa có khả năng kết nối đấy.

Mặc dù, rất nhiều nỗ lực được bỏ ra cho các sàn giao dịch vận tải, tuy nhiên, do không gắn liền với các hạ tầng logistics, kết nối phương thức vận tải, kết nối các chủ thể nên không thể chuẩn hóa được các giao dịch thương mại.

Trong khi đó, theo ông Phan Trọng Lê, Phó trưởng ban Kế hoạch Đầu tư VietNam Post, hiện 1 ngày năng lực xử lý của công ty là 750 nghìn đơn hàng, quy mô phát triển 5 - 10 năm nữa tăng lên 3 - 5  lần. Tuy nhiên, công ty gặp vô vàn khó khăn liên quan đến kho bãi và cơ sở hạ tầng giao thông, đây là bài toán chưa có lời giải.

Cần phát huy đầu tàu liên kết vùng

Ông Nguyễn Tương, cố vấn cao cấp Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, để Hà Nội thành trung tâm dịch vụ logictics của cả nước, Hà Nội cần có chính sách cụ thể hóa luật pháp và quyết định của Chính phủ về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ đô; các chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng logistics như các trung tâm dịch vụ logistics của Thành phố (dành quỹ đất, ưu đãi về thuế thu nhập và thuế thiết bị).

Nghiên cứu xây dụng các trung tâm dịch vụ tập kết hàng ngoài Thành phố sau đó dùng xe tải nhỏ đưa hàng vào Thành phố, giải quyết ách tắc và an toàn giao thông nội đô, nhất là giờ cao điểm. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ đòi hỏi ngày càng cao của ngành dịch vụ logistics theo yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển dịch vụ  logistics đô thị trong điều kiện xây dựng Thành phố Thông minh và hợp tác liên kết vùng và cả nước.

Hiện nay, Thành phố có các cảng đường sông nhưng chưa phát huy được thế mạnh do hạn chế về thiết bị nâng hạ hàng hóa, hạn chế độ thông thuyền và việc vận chuyển hàng hóa bằng xe tải đi và đến từ các cảng sông do phải qua các đê sông Hồng. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu việc phát triển dịch vụ vận tải đường thủy nội địa kết nối khu vực….

Song song với đó, Hà Nội cần phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao theo tiêu chuẩn FIATA để vừa đáp ứng nhu cầu của Thành phố vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập làm việc ở các nước ASEAN; phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Thành phố và tăng cường hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài và liên kết hợp tác với các doanh nghiệp dịch vụ logistics lớn của Việt Nam hoạt động trên địa bàn Thành phố. Qua đó, mở rộng quy mô và tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ logistics Thành phố.

Thành phố cũng cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ logistics. Vừa qua, Thành phố đã cải tiến mạnh mẽ về thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng, nộp thuế xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan điện tử gần như 100%;

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), vị trí của Hà Nội trong bản đồ logistics của cả nước là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, hiện Hà Nội mới chỉ có 1 trung tâm logistics hạng 1 và 1 trung tâm logistics hạng 2 là chưa đủ. Về số lượng phải nhiều hơn, quy mô lớn hơn và trình độ công nghệ phải hiện đại hơn… Làm thế nào để Hà Nội phát huy đầu tàu trong liên kết vùng, để xứng đáng là trung tâm kinh tế của đất nước. Đây là bài toán đặt ra cho Hà Nôi và các cơ quan liên quan.

Thùy Linh

Top