Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng thương mại điện tử

23/07/2018 5:16 PM

(Chinhphu.vn)-Thương mại điện tử không hạn chế doanh nghiệp lớn hay nhỏ nên sẽ tạo cơ hội kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn e ngại sử dụng, chính vì vậy, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ những doanh nghiệp này.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao (25-35%/năm), mức độ phổ cập thương mại điện tử trong cộng đồng và doanh nghiệp đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực. Cùng với tốc độ phát triển của công nghệ và hạ tầng viễn thông - internet, hoạt động kinh doanh và mua sắm trên môi trường mạng đang trở thành một phần tất yếu của đời sống xã hội.

Đáng chú ý, 5 năm trở lại đây, TP.Hà Nội liên tục là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử.

6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố đạt 6.159 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó có sự hỗ trợ quan trọng của thương mại điện tử. Lũy kế đến nay có tổng số 8.314 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân đã đăng ký hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính mới chỉ có 1% doanh nghiệp xuất khẩu biết cách khai thác các nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu để tạo ra đơn hàng; 99% doanh nghiệp còn lại vẫn dựa vào các kênh xuất khẩu truyền thống, hoặc thai khác các kênh kinh doanh trực tuyến ở mức độ cơ bản như website, email…

Đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử

Nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu, Sở Công Thương đã trình UBND TP. HàNội ban hành Chương trình số 78/CTr-UBND về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử năm 2018 trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, tập huấn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nội địa và thị trường quốc tế; đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, tuyên truyền, quảng bá dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, thương mại điện tử không hạn chế doanh nghiệp lớn hay nhỏ nên sẽ tạo cơ hội kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Giải pháp hiệu quả để thành công trong thương mại điện tử là doanh nghiệp cần sở hữu một website đáng tin cậy để lan tỏa các thông điệp của mình và tăng cường mối quan hệ với lượng lớn khách hàng.

Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử như tìm thông tin đối tác trên mạng, xác minh đối tác có uy tín hay không, hoặc các khâu thanh toán, chuyển phát…; tích cực đầu tư về hạ tầng công nghệ bao gồm cả công nghệ bảo mật để giao dịch của doanh nghiệp được an toàn ở mức cao nhất.

Đồng thời, cùng với việc xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần tập trung cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt nhất, thiết kế hình ảnh bắt mắt giới thiệu trên website. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp có được các đánh giá tích cực về sản phẩm từ nhà nhập khẩu.

Có thể thấy, thương mại điện tử và công nghệ số đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn, nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số. Yếu tố có vai trò quyết định đối với thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là trình độ khai thác và tiếp cận công nghệ, cũng như phương thức tổ chức hoạt động kinh doanh và mạng lưới kết nối đối tác.

Do vậy, để cạnh tranh trong môi trường năng động và có hàm lượng công nghệ cao này của nền kinh tế số, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đổi mới cách tư duy, xây dựng những mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo, tránh lối mòn của các doanh nghiệp đi trước.

Thùy Linh

Top