Giải pháp nào cải thiện ô nhiễm không khí ở Hà Nội?

23/03/2024 11:13 AM

(Chinhphu.vn) - Là trung tâm chính trị-văn hóa-khoa học-giáo dục-kinh tế của cả nước, tuy nhiên Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng vì đây là nơi tập trung nhiều nguồn lao động và dân cư đến sinh sồng cùng với quá trình đô thị hóa quá nhanh. Điều này đặt ra bài toán khó cho chính quyền TP. Hà Nội về phát triển đô thị gắn với vẫn bảo vệ được môi trường. Đó là một trong những yếu tố để Hà Nội khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Bài 1: 'Báo động đỏ' ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội

Liên tiếp nhiều ngày qua, ô nhiễm không khí ở Hà Nội với chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức “báo động đỏ”. Điều này khiến nhiều người lo ngại các chất độc hại, ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, cũng như sức khỏe của người dân Thủ đô.

Hà Nội luôn ở trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Theo thông tin từ ứng dụng theo dõi, dự báo chất lượng không khí IQAir, từ đầu tháng 3 đến nay, Hà Nội chịu tác động của bụi mịn ở mức độ cao. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có lúc đã vượt quá 300 (cảnh báo đỏ đậm) và nhiều khu vực ở mức trên 200 (cảnh báo tím), gần như ngày nào chất lượng không khí tại Hà Nội cũng ở mức xấu (không tốt cho sức khỏe), có ngày còn ở mức rất xấu.

Giải pháp nào cải thiện ô nhiễm không khí ở Hà Nội?- Ảnh 1.

Ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội nặng tới mức người dân có thể cảm nhận bằng mắt thường, làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Ảnh chụp sáng sớm ngày 2/2/2024. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Trong nhiều ngày liền, Hà Nội luôn ở trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, tức là ngay cả cuối tuần, khi lượng xe tham gia giao thông giảm, chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn không được cải thiện nhiều.

Điển hình ngày 21/3, Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AIQ là 173. Ngày 22/3, Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách với chỉ số là 166. Những ngày trước đó, Hà Nội cũng thường xuyên đứng thứ 2, 3 có những ngày liên tiếp đứng thứ 1 trong danh sách này. Đặc biệt, trong sáng ngày 5/3, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chất lượng không khí ở mức rất xấu (màu tím), chỉ số AIQ là 241. Bầu trời thủ đô mù mịt, tầm nhìn xa hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tham gia giao thông của người dân.

Cũng trong ngày 5/3, ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm Pam Air, điểm đo tại Vườn Dâu - Trâu Quỳ (Gia Lâm) có chỉ số ô nhiễm 429 - đây là chỉ số ở ngưỡng nâu, gần mức kịch khung trong bảng chỉ số ô nhiễm là 500. Ngoài ra, nhiều điểm đo khác có chỉ số ô nhiễm cao là Đội Cấn (Ba Đình) với AQI 254, Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) có chỉ số AQI 243, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) có chỉ số AQI 296.

Dữ liệu chỉ số chất lượng không khí được thu thập từ 18 trạm kiểm soát không khí với chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, nồng độ là 108,2µg/m3, cao gấp 21 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cùng với đó, trên hệ thống quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho thấy chất lượng không khí tại nhiều khu vực trên địa bàn thủ đô nhiều ngày qua ở mức xấu và rất xấu. Miền Bắc đang trải qua chuỗi ngày nồm ẩm kéo dài với độ ẩm trong không khí luôn ở mức 80%-90%. Vào buổi sáng nhìn từ xa có thể thấy lớp sương mù dày đặc bao trùm nhiều tòa nhà cao tầng và đường phố.

Ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội nặng tới mức người dân có thể cảm nhận bằng mắt thường. Sống trong căn hộ trên tầng cao của một khu chung cư ở quận Long Biên, mỗi sáng thức dậy, chị Nguyễn Thùy Linh thường thấy bầu không khí bị phủ lớp trắng đục như đang có sương mù. Nhưng khác với sương mù, bầu không khí không ẩm ướt mà quánh đặc, rất ngột ngạt và khó chịu. Chị mở ứng dụng đo lường chất lượng không khí trên điện thoại kiểm tra thì thấy mức độ ô nhiễm "nguy hiểm tới sức khỏe của con người".

Để tránh tác động của ô nhiễm không khí, gia đình chị Linh phải bố trí 2 chiếc máy lọc không khí ở phòng khách và phòng ngủ nhưng cũng không thể yên tâm bởi thỉnh thoảng chị vẫn phải mở cửa khi ra vào nhà.

Chị Linh cho hay, không chỉ có chị cảm thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi trong thời gian này, mà người thân và nhiều bạn bè của chị cũng chia sẻ rằng cuộc sống và sức khỏe bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, thời tiết nồm ẩm. Có nhiều người còn có ý định rời bỏ Thủ đô Hà Nội để về quê hít thở không khí trong lành. 

Trên thực tế, tình trạng khói bụi mù mịt bao trùm thành phố, nhất là khoảng thời gian sáng sớm là điều không còn xa lạ với người dân. Từ xa có thể thấy lớp sương mù dày đặc bao trùm nhiều tòa nhà cao tầng, đường phố. Tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng này khiến cho nhiều người đang sống, làm việc ở Thủ đô cảm thấy lo ngại cho sức khỏe của bản thân, và thấy lo sợ, e ngại khi tham gia giao thông do ảnh hưởng xấu của ô nhiễm không khí.

Theo các chuyên gia, miền Bắc và Hà Nội đang trong mùa ô nhiễm không khí từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Bên cạnh đó, thời tiết Hà Nội liên tục đảo chiều về mặt hình thế và nền nhiệt, biến động liên tục. Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nên các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân

Việc hít thở hằng ngày trong môi trường khói bụi không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe như viêm phổi, hen suyễn, còn ảnh hưởng đến tinh thần của con người. Khảo sát tại nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn cho thấy tình trạng quá tải bệnh nhân các khoa hô hấp ở mọi đối tượng.

Những người dễ bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí chủ yếu ở người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có sức đề kháng yếu. Ô nhiễm không khí còn có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận cơ thể người, gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh lý tai mũi họng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương, nhiều người già tới thăm khám với tâm trạng lo lắng, mệt mỏi. Bà Đào Bích Ngọc, 65 tuổi ở quận Ba Đình cho biết, có triệu chứng ho kéo dài nhiều ngày, kèm theo là tình trạng khó thở. Bà Ngọc cho biết, những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao đều làm cho hệ hô hấp của bà có vấn đề. Chính vì vậy, bà Ngọc rất lo lắng, những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao bà Ngọc đều ở yên trong nhà, không dám bước chân ra ngoài đường. Gia đình con bà Ngọc thậm chí còn nghĩ đến việc chuyển cả gia đình vào Sài Gòn sống để "thoát" khỏi vấn đề nan giải ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng người đợi xếp hàng lấy số khám bệnh từ sớm tăng vọt. Đa phần những người tới đây đều mắc các bệnh hô hấp, hen suyễn, chủ yếu là trẻ em. Chị Nguyễn Ngọc Lan, 38 tuổi, ở quận Hoàng Mai cho biết, mấy hôm chỉ số ô nhiễm không khí cao, gia đình chị có 5 người thì 3 người bị ốm sốt. Bản thân chị Lan mỗi khi không khí ô nhiễm chị lại bị ho kéo dài nhiều ngày, đi khám bệnh bác sĩ chuẩn đoán chị Lan bị hen suyễn, hô hấp yếu.

Hay trường hợp của anh Nguyễn Quang Minh, 24 tuổi, là người gốc Hà Nội, nhưng anh Minh lại làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa 4 năm nay. Tiền sử mắc mắc bệnh viêm xoang, nhưng từ khi chuyển đến sống và làm việc tại Khánh Hòa anh Minh không còn cảm giác bị đau đầu do viêm xoang nữa. Dịp này về thăm gia đình dài ngày ở Hà Nội, anh Minh lại bị bệnh viêm xoang hoành hành, gây đau nhức mũi, nhức đầu và hốc mắt.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người già, người có sức đề kháng yếu, người có bệnh về hô hấp. Ô nhiễm môi không khí còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ em. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ em nhập viện mắc bệnh lý liên quan đến hô hấp. Gia đình nhà chị Trần Thị Hà, quận Hai Bà Trưng, có con gái là bé Linh bị tiền sử bệnh viêm phổi từ sơ sinh, mỗi lần thời tiết bất thường kèm theo ô nhiễm, gia đình chị Hà lại phải túc trực ở bệnh viện chăm con. Gia đình chị Hà vô cùng lo lắng. Tình trạng ô nhiễm kéo dài và không chấm dứt khiến gia đình chị Hà cứ vất vả triền miên.

Ngoài các bệnh về hô hấp, các bệnh về da cũng tăng cao tại thời điểm này. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, số bệnh nhân phải nhập viện do thời tiết nồm ẩm gia tăng đáng kể. Trong đó nhiều trường hợp chủ quan không đi khám dẫn tới biến chứng khó lường, chủ yếu là các bệnh liên quan đến virus như zona, herpes, viêm nang lông... Theo một bác sỹ da liễu, bụi mịn PM2.5 là một trong những tác nhân chính gây viêm da, mẩn đỏ, ngứa và sưng tấy. Người có tiền sử mắc bệnh chàm, viêm da có thể trở nặng hơn khi tiếp xúc lâu với không khí ô nhiễm.

Bên cạnh đó, các chất ô nhiễm góp phần làm tổn thương DNA trong tế bào da. Về lâu dài, tình trạng này có khả năng phát triển ung thư da. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian để chăm sóc da, đặc biệt là những người thường xuyên phải làm các công việc ngoài trời vào ban ngày, tiếp xúc lâu với không khí ô nhiễm.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra trên địa bàn TP. Hà Nội, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần theo dõi thường xuyên chất lượng không khí để bố trí lịch làm việc, vui chơi hợp lý. Người dân nên thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp, chú ý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện ô nhiễm đặc thù này.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tránh tập thể ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài, chạy máy lọc không khí.

Trong trường hợp phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động có cường độ vừa phải. Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Trong hợp phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, khu vực bị ô nhiễm không khí. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường và tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Thùy Chi

Bài 2: Gi ải "bài toán" ô nhiễm môi trường ở Hà Nội

Top