Giám sát công tác quy hoạch tại 3 huyện sắp lên quận

14/11/2019 2:39 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chương trình giám sát về tình hình chấp hành pháp luật trong quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố, 2 đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì và Đông Anh về nội dung trên.

Hà Nội duyệt đề án đưa 4 huyện lên quận đến năm 2025 - Ảnh: Internet

Đoàn giám sát số 1 do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Thanh Trì. Đoàn giám sát số 2 do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn làm việc với UBND huyện Gia Lâm và Đông Anh.

Qua đợt giám sát cho thấy, công tác quy hoạch trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện còn nhiều bất cập. Giữa các đồ án quy hoạch không có sự thống nhất về chức năng sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch gây khó khăn trong quá trình thực hiện và quản lý quy hoạch.

Trong khi đó, huyện Đông Anh cũng có nhiều khó khăn trong thực hiện và quản lý quy hoạch. Đến nay, huyện còn 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị chưa được phê duyệt, nên việc cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ giới đường đỏ cho các dự án gặp khó khăn.

Ngoài ra, quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài quy định nhà ở riêng lẻ xây dựng đối đa không quá 3 tầng, nhưng nhiều hộ dân xây vượt số tầng quy định; lực lượng quản lý trật tự xây dựng của của địa phương mỏng, khó khăn trong công tác quản lý, xử lý…

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị, thời gian tới, hai huyện Đông Anh, Gia Lâm tập trung đánh giá nguyên nhân vướng mắc, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với thành phố các giải pháp tháo gỡ.

Các cấp ủy, chính quyền hai huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai công tác quy hoạch xây dựng một cách bài bản, đúng quy định của pháp luật. Để thực hiện lộ trình thành quận vào năm 2025, hai huyện cần rà soát để đối khớp với các quy hoạch ngành như: Đê điều, thoát lũ, giao thông, cụm điểm công nghiệp, làng nghề…; tăng cường đầu tư nguồn lực cho cơ sở hạ tầng nhằm mục đích cuối cùng là phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân…

Đối với huyện Thanh Trì, huyện Thanh Trì, huyện có nhiều thuận lợi khi các quy hoạch phân khu đã được hoàn chỉnh với hệ thống giao thông kết nối vùng. Tuy nhiên, một số quy hoạch chi tiết của huyện được duyệt trước khi có quy hoạch phân khu đô thị, nên các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc còn bất cập.

Cụ thể, huyện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy hoạch xây dựng như tình trạng một công trình nằm trên địa giới hành chính 2 xã, 2 huyện diễn ra phổ biến, chồng chéo, khó khăn trong công tác quản lý; 3 xã vùng bãi sông Hồng của huyện phần lớn không nằm trong chỉ giới thoát lũ, tuy nhiên, Nghị quyết 17/2009/NQ-HĐND ngày 11/12/2009 của HĐND TP phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên địa bàn TP chưa được điều chỉnh nên việc đầu tư xây dựng phát triển các xã vùng bãi của huyện triển khai gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tiến độ triển khai một số dự án theo hình thức BT, một số khu đô thị của các chủ đầu tư quá chậm gây cản trở sự phát triển của huyện, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước như dự án đường Phan Trọng Tuệ, dự án đường nối đường Phan Trọng Tuệ với đường Tả Thanh Oai-Đại Áng-Liên Ninh, dự án đường nối đường QL1A-1B; dự án KĐT Cầu Bươu…

Thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án xây dựng huyện Thanh Trì thành quận vào năm 2025, tuy nhiên, huyện còn 2 tiêu chí về phát triển hạ tầng đô thị và một số xã có nhiều tiêu chí chưa đạt theo Đề án. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị thời gian tới, huyện Thanh Trì tập trung các nguồn lực để thực hiện quy hoạch, coi đây là tiền đề để thực hiện lộ trình phấn đấu lên quận vào năm 2025.

Trong thực hiện Đề án phát triển thành quận, huyện cần rà soát các nội dung liên quan đến các thiết chế như: Trụ sở công an phường, cơ sở giết mổ gia súc tập trung, quản lý tốt trật tự xây dựng, xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công…

Bên cạnh đó, tập trung làm tốt chất lượng quy hoạch, lựa chọn công ty tư vấn và đào tạo cán bộ làm công tác quy hoạch, trong đó, lưu tâm công tác quản lý quy hoạch, nhất là xử lý các vi phạm trên đất công và vi phạm trật tự xây dựng; tập trung vào các chỉ tiêu cụ thể còn thiếu và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, nhất là Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch PTNT, Sở NN&PTNT. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành tập trung, sâu sát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho huyện.

Thùy Chi

Top