Giáo dục coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học

19/09/2019 5:19 PM

(Chinhphu.vn) - Năm học 2019-Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện hiệu quả Nghị quyết Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2016 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để triển khai hiệu quả việc thực hiện chương trình theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, Sở đang tiếp tục rà soát nội dung sách giáo khoa, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu.

Các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố cũng triển khai đầy đủ các nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp gắn với các sự kiện lớn của ngành, Thủ đô và đất nước. Quy định rõ cho các hoạt động giáo dục nghề nghiệp với thời lượng, số tiết học cụ thể cho các môn học; tổ chức triển khai công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và đánh giá năng lực học sinh

Hiện nay, ngành Giáo dục Hà Nội cũng đang tiếp tục triển khai việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá kết quả học tập trong đội ngũ giáo viên. Chỉ đạo mỗi tổ/nhóm chuyên môn tiếp tục có những đổi mới, mỗi giáo viên nỗ lực thực hiện đổi mới trong giảng dạy nhằm phát triển năng lực học sinh. Chỉ đạo các trường chú trọng trong việc dạy học phân hoá theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT cấp tiểu học, THCS, THPT. Quan tâm định hướng cho giáo viên việc sử dụng ma trận đề trong ra đề kiểm tra nhằm xác định trọng tâm kiến thức, quan tâm kỹ năng ra đề và chấm trả bài; đánh giá ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các trường nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn, tập trung vào thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học, các chủ đề tích hợp, liên môn và kế hoạch dạy học bộ môn phải nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình GDPT, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng học tập của học sinh. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

Sở cũng đã chỉ đạo các trường có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức dạy học 02 buổi/ngày, không quá 08 tiết/ngày, mỗi tuần học không quá 06 ngày. Nội dung dạy học và hoạt động giáo dục tăng cường cần tập trung vào việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp với năng lực và năng khiếu của từng nhóm đối tượng nhằm phát triển năng lực học sinh.

Tăng cường thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa tại các nhà trường sẽ chuyển mạnh sang hướng hoạt động trải nghiệm; tăng cường tổ chức và quản lí các hoạt động giáo dục kỹ năng sống; kỹ năng khởi nghiệp, tư duy thiết kế, tư duy quản lí; khuyến khích học sinh tham gia các câu lạc bộ sở thích.

Cùng với việc đổi mới phương pháp học tập, ngành giáo dục cũng tập trung đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá. Theo đó, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh. Thực hiện nghiêm việc không tổ chức ôn luyện, tổ chức thi, kiểm tra, sát hạch dưới mọi hình thức để xếp lớp đối với học sinh đầu năm.

Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh, đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tích cực tham gia đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trên trang mạng "Trường học kết nối" và hình thức ôn luyện trực tuyến online 7 môn văn hóa lớp 8, 9 THCS, lớp 11, 12 THPT.

Trong những năm học gần đây, ngành GDĐT Hà Nội đã tích cực trong công tác đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Minh Anh

Top