Giữ hồn làng nghề gốm cổ Bát Tràng

10/02/2019 6:37 PM

(Chinhphu.vn) - Ở Việt Nam, từ lâu các làng nghề gốm sứ đã trở thành địa điểm quen thuộc của du khách, trong đó, gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) mang đậm dấu ấn của một làng nghề truyền thống lâu đời ở Hà Nội.

Sản xuất đồ gốm tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Bích Phương

Nằm bên dòng sông Hồng, làng gốm Bát Tràng có tuổi đời hơn 700 năm. Xưa, ngoài nghề làm gốm, làng còn được mệnh danh là “làng khoa bảng - đất danh hương”. Ngày nay, Bát Tràng còn nổi tiếng hơn bởi sự trù phú khó nơi nào bằng. Là một trong 1.350 làng nghề truyền thống ở Hà Nội, nhưng Bát Tràng có niềm tự hào riêng vì nằm ở top đầu làng nghề cổ truyền không những không bị mai một mà ngày càng phát triển.

Ở Bát Tràng, nhiều nghệ nhân làm gốm có kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác. Với bàn tay khéo léo cùng sự đam mê mãnh liệt đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm gốm sứ Bát Tràng độc đáo. Các sản phẩm đó đã được lưu giữ và phát triển cho đến ngày nay. Mỗi người thợ, mỗi gia đình làm nghề gốm đều có sở trường khác nhau. Có người thiên về đường nét sao cho nước men sáng màu, ít vẽ trang trí. Có người lại chỉ chú trọng đến những kiểu tráng men 2 lớp trong một sản phẩm hoặc sáng tạo để cho ra lò những đồ gốm thô, gốm men chẩy.

Gốm Bát Tràng xưa vẫn được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Chả thế mà các bậc cao niên ở Bát Tràng có câu: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Và cũng chính bởi trân trọng tinh hoa bậc cao của trăm nghề đất Thăng Long xưa, cùng với những đam mê gốm cổ, nhiều nghệ nhân trong làng đã quyết gìn giữ tất cả những gì thuộc về hồn cốt làng nghề Bát Tràng.

Tìm được con đường phục chế những hình khối, màu men cổ riêng của mình, trải qua bao năm tháng, nghệ nhân Trần Văn Độ - một nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã phục dựng lại nhiều dòng men cổ như gốm men ngọc và ngày càng nổi tiếng với những màu men mới như màu men đỏ, men chảy,  thúy lam, men đá, men nâu...

Trong các tác phẩm của ông, có thể thấy bóng dáng nhiều dòng gốm men cổ Việt Nam như: Gốm men ngọc thế kỷ 11, gốm hoa nâu thời Lý, gốm hoa lam thời Mạc, men nhiều màu thời Hậu Lê - Nguyễn, gốm men rạn... Bên cạnh những mẫu gốm tạo dáng và trang trí kế thừa truyền thống như: các loại ấm rượu, ché, cặp chóe, các mẫu bình gốm hoa lam thời Mạc, các loại chân đèn, lư hương… mang hồn của Bát Tràng xưa, mang hơi thở của truyền thống gốm sứ Việt, nhiều tác phẩm của ông còn trở nên đặc sắc với những màu men rất lạ chưa thấy có ở Bát Tràng...

Ông Lê Xuân Phổ, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Bát Tràng cho biết, những năm gần đây, nhờ ứng dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật công nghệ mà các sản phẩm gốm Bát Tràng liên tục được cải tiến mẫu mã, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng và phục vụ tín ngưỡng của khách hàng trong nước và quốc tế...

Trải qua hàng nghìn năm, nghề gốm lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làng Bát Tràng vẫn đau đáu một niềm gìn giữ nghiệp tổ của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm tinh hoa gốm Việt. Sản phẩm của làng chứa đựng đầy đam mê, sức sáng tạo, gửi gắm tình cảm, tinh thần chịu thương chịu khó của người Việt, thể hiện nét văn hóa riêng của làng nghề - đó là hồn gốm Bát Tràng. Giờ đây, trang mới của gốm Bát Tràng được đánh dấu bằng sự xuất hiện của những chiếc lò nung bằng gas vừa giải quyết nạn ô nhiễm môi trường, vừa kiểm soát được nhiệt độ - khâu được xem là có tính chất quyết định “phép nhiệm màu” của men.

Nhưng dù có hoán cải gì, thì men gốm Bát Tràng vẫn mãi giữ được hồn cốt của mình bởi những con người tâm huyết như nghệ nhân Trần Văn Độ. Đến nay, gốm Bát Tràng không chỉ dừng lại chiếm lĩnh ở một số thị trường truyền thống như Nhật, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức mà đang tìm đường đi Mỹ và lan rộng trong khu vực EU.

Bộ mặt Làng nghề Bát Tràng ngày nay đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, nhiều ngôi nhà mới khang trang hiện đại, những showroom gốm sứ trang trí đẹp, bề thế thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng. Chợ gốm sứ tràn ngập sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã mới như: tranh sứ, tượng các loại, ấm chén bát đĩa, vò lọ hoa, đồ trang sức gốm…

Ngắm những mặt hàng gốm sứ thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân, thợ giỏi Bát Tràng hôm nay càng thán phục tài hoa, sức sáng tạo bay bổng của các nghệ nhân - những con người đã biến những vật vô tri vô giác thành những tác phẩm gốm sứ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Bích Phương

Top