Giữ ‘lửa’ cho làng nghề sơn mài Hạ Thái

09/02/2019 12:35 PM

(Chinhphu.vn) - Đặt chân đến làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội), ngắm những sản phẩm được làm ra bởi đôi bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây, hẳn không ít người phải xuýt xoa, thán phục trước sự sống động, tinh xảo mà các nghệ nhân ở đây đã tạo ra.

Các sản phẩm sơn mài độc đáo Hạ Thái thu hút nhiều khách thăm quan. Ảnh: Diệu Anh

Tương truyền, nghề sơn Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ 17, lúc đó mới chỉ là nghề sơn đồ nét. Tuy không phải là phường đất tổ nghề sơn của Việt Nam nhưng phường sơn Hạ Thái ngày trước được trọng dụng vì có nhiều thợ tài hoa, khéo léo, sáng tạo. Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… và đặc biệt là đưa kỹ thuật mài vào, tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen.

Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí hàng tháng trời với tất cả sự công phu, cầu kỳ, điêu luyện. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật mới bảo đảm chất lượng. Theo truyền thống, quy trình làm ra một sản phẩm sơn mài gồm 12 công đoạn. Các công đoạn này đều có liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một công đoạn nào thì sản phẩm cũng không thể hoàn thiện và không bảo đảm độ bền cũng như tính mỹ thuật.

Công đoạn đầu tiên làm ra một sản phẩm sơn mài đó là chọn chất liệu cốt nền. Nếu như các sản phẩm sơn mài truyền thống chỉ dùng cốt nền tre, gỗ, thì ngày nay, người nghệ nhân có thêm sự lựa chọn là gốm và sứ. Các công đoạn làm nghề cùng các loại nguyên liệu cũng có nhiều thay đổi, tiếp cận với nguồn nguyên liệu và kỹ thuật hiện đại, đồng thời, vẫn giữ được nét tinh túy, riêng biệt của nghề sơn mài truyền thống. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. Trong từng thao tác đều cần đến sự chính xác gần như tuyệt đối.

Bên cạnh việc kế thừa truyền thống nghề của cha ông, với sức sáng tạo mới, những nghệ nhân ngày nay đã tạo ra rất nhiều loại sản phẩm phong phú, đa dạng, với hình thức, mẫu mã đẹp, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày như bình hoa, bát, khay... Ngoài các mặt hàng sơn mài, các sản phẩm làm sơn son thiếp vàng như đồ thờ, hoành phi, câu đối, tượng Phật… cũng được đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân thể hiện bằng những đường nét tinh xảo.

ác sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái. Ảnh: Diệu Anh

Mặc dù các sản phẩm làm ra đẹp là vậy nhưng nỗi lo lớn nhất của người dân Hạ Thái bây giờ là lớp trẻ không thích học nghề sơn mài của cha ông. Hiện, chỉ còn khoảng 50% số người dân trong làng còn gắn bó với nghề và cũng đã ở độ tuổi 40. Nguyên nhân chính có lẽ là do nghề này đòi hỏi kỹ thuật công phu, tỉ mẩn và những người nhẫn nại, kiên trì thì mới theo được nghề.

Ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết, những năm gần đây, nghề làm sơn mài ở Hạ Thái có sự biến động. Nếu như 10 năm trước, Hạ Thái là trung tâm hoàn thiện sản phẩm trước khi xuất khẩu thì nay những làng nghề chung quanh như gốm, mây tre đan cũng đã tự học làm sơn mài để cạnh tranh với Hạ Thái. Bên cạnh đó, người làm nghề ở Hạ Thái cơ bản vẫn là thợ thủ công, khâu quảng bá, xúc tiến thương mại còn hạn chế, vì thế, sản phẩm làm ra rất khó chiếm lĩnh thị trường...

Nhìn nhận được tiềm năng phát triển của làng nghề sơn mài Hạ Thái, những năm qua, Thành phố đã quan tâm, chú trọng đưa ra nhiều chính sách để giúp làng sơn mài Hạ Thái phát triển các sản phẩm sơn mài của mình như đưa Hạ Thái trở thành 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội; quy hoạch riêng một khu, cụm làng nghề Hạ Thái; đưa các sản phẩm tranh sơn mài Hạ Thái đến các triển lãm, hội chợ,…

Sau nhiều năm làm nghề lẻ tẻ, những người thợ đã được tập trung về một khu sản xuất. Có được chốn riêng không những thuận lợi cho việc thực hiện những sản phẩm phức tạp mà việc đầu tư, quảng bá cũng dễ hơn, tiện lợi cho khách du lịch hơn. Nhiều đối tác còn muốn tận mắt, tận tay kiểm tra các công đoạn sản phẩm. “Nhờ quy hoạch bài bản cho nên làng nghề mới trụ lại như hôm nay”, ông Chiêu nhấn mạnh.

Cho đến nay, nhiều người dân Hạ Thái vẫn nặng lòng với nghề bởi từ bé họ quá quen với mùi sơn đó, hay với những ai yêu thích sản phẩm và con người nơi đây, họ vẫn đau đáu một điều rằng giữ nghề thật tốt để mong muốn phát triển trở lại.

Đến Hạ Thái thời gian này sẽ thấy được nhiều sự thay đổi của làng nghề so với vài năm trước; từ quy hoạch và xây dựng các cụm, điểm công nghiệp, tập trung các cơ sở sản xuất, phát huy hiệu quả kinh tế… Nhìn dưới góc độ văn hóa thì làng nghề sơn mài Hạ Thái hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một làng nghề truyền thống lâu đời.

Diệu Anh

Top