Giúp doanh nghiệp tìm lại ‘chỗ đứng’ trong thị trường nội

04/09/2019 2:22 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động. Với cách làm trách nhiệm, sáng tạo, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị Thành phố đã giúp các doanh nghiệp nhìn lại chỗ đứng của mình trong thị trường nội.

Người dân mua hàng Việt tại các hội chợ hàng Việt về nông thôn. Ảnh: Thùy Linh

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sau 10 năm thành phố Hà Nội thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Cuộc vận động đã làm thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của người dân đối với hàng Việt. Tỷ lệ bán hàng Việt chiếm hơn 90% tại hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Con số này không thể đạt được nếu hàng Việt không chinh phục niềm tin của người tiêu dùng.

Để có được kết quả trên, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp và ngành Công Thương Hà Nội đã ưu tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng Việt có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường... đã được Sở Công Thương Hà Nội triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Cụ thể, trong giai đoạn 2009-2019, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết, 29 tuần hàng Việt, 254 phiên chợ Việt, khoảng 3.200 chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ người tiêu dùng;… Hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối nước ngoài như: Aeon (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), chợ đầu mối Rungis (Pháp)...

Bên cạnh đó, ngành Công Thương Thủ đô đã đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố trên cả nước hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia ký kết hơn 3.000 biên bản ghi nhớ; hỗ trợ hơn 800 sản phẩm mới của các địa phương tiêu thụ tại các kênh phân phối ở Hà Nội; hỗ trợ 105 doanh nghiệp của 24 tỉnh, thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu hơn 3.000 mã sản phẩm nông sản tại sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm an toàn, trang tin nông sản tại Hà Nội...

Tuy nhiên, bà Lan cũng cho hay, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đều tiến hành cổ phần hóa nên không có doanh nghiệp chủ lực làm “đầu tàu” cho việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khiến việc thực hiện chương trình trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các hội chợ hàng Việt, phiên chợ Việt, bán hàng lưu động thực hiện tại khu vực xa trung tâm các huyện, sức mua của nhân dân, người lao động chưa cao; đơn vị bán hàng phải trang trải nhiều chi phí vận chuyển, nhân sự, trong khi doanh số thấp nên thường không có lãi, do đó việc vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình còn khó khăn.

Ngoài ra, người tiêu dùng tại khu vực ngoại thành có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa có nguồn gốc của đơn vị triển khai bán hàng tại địa phương và hàng hóa không có nguồn gốc, hàng nhái,...

Để triển khai hiệu quả cuộc vận động trong giai đoạn mới, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội sẽ cùng các cấp, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - thương mại trên địa bàn; hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố...

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu phát triển thị trường nội địa, phát triển sản xuất gắn với việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán lẻ phục vụ nhân dân tại khu vực ngoại thành; tham mưu để thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp được thuận lợi phát triển, duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng.

Thùy Linh

Top