Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu Thủ đô

09/09/2020 11:29 AM

(Chinhphu.vn) – Làn “sóng” thứ 2 của Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Thủ đô nói riêng, khi nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy, sức tiêu thụ chậm… Trước tình hình đó, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: Diệu Anh

Nỗ lực tìm kiếm giải pháp để duy trì hoạt động

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 của TP. Hà Nội đạt 8.291 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019 do hầu hết các đơn hàng đều bị hoãn hoặc hủy, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp để giảm thiệt hại, duy trì hoạt động.

Dệt may và da giày là 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19. Ðầu năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nay khi vấn đề nguyên liệu đã cơ bản được khơi thông, thì đầu ra lại gặp khó khăn, khi đơn hàng từ các thị trường như Mỹ, EU… đều bị hoãn hoặc bị hủy, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán.

Ðại diện Tổng Công ty May 10 cho biết, hiện chỉ còn các đơn hàng cũ đến khoảng tháng 9, chưa có đơn hàng mới và dự báo đến cuối năm, tình hình chưa thể khởi sắc. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.

Là doanh nghiệp xuất, nhập khẩu chủ lực của Thành phố, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Công ty CP (Hapro) có nhiều mặt hàng xuất khẩu tới gần 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng trước tác động của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2020 của Hapro chỉ đạt 17,21 triệu USD, bằng 48,04% so với cùng kỳ năm 2019.

Ðại diện lãnh đạo đơn vị cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp đã phải hủy đăng ký tham gia nhiều hội chợ thương mại lớn, chuyên ngành, có vai trò quan trọng trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm các đối tác, khách hàng mới được tổ chức trong năm 2020.

Ðối với hàng thủ công mỹ nghệ, tình hình dịch bệnh cũng khiến thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… khá dè dặt trong việc đặt hàng. Hầu hết làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội như làng sơn mài Duyên Thái và làng thêu Quất Ðộng (huyện Thường Tín), làng nghề điêu khắc Dư Dụ (huyện Thanh Oai),… đều đã giảm tới 70% doanh thu do không có đơn hàng xuất khẩu…

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội để bứt phá

Mới đây, trong buổi làm việc giữa TP. Hà Nội với Bộ Công thương, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đã đề nghị TP. Hà Nội quan tâm, tập trung nhiều hơn cho hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... Đây cũng là giải pháp nhiều doanh nghiệp lựa chọn khi các hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trên thế giới đều bị hoãn, hủy do dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, chỉ với một kênh thương mại điện tử, các doanh nghiệp đồ gỗ có thể giới thiệu sản phẩm tới các đối tác, khách hàng trên toàn cầu, thay vì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức đi tiếp cận từng khách hàng, từng thị trường.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, nhờ chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các trang thương mại điện tử uy tín, cho nên hàng hóa của công ty đã tiếp cận được thị trường nước ngoài tốt hơn, ngay cả khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực. Xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử có nhiều lợi thế như tiết kiệm chi phí, thời gian chuyển hàng, trong khi lợi nhuận có thể tăng gấp 2-3 lần so với xuất khẩu theo cách truyền thống.

Không chỉ qua kênh thương mại điện tử, các mặt hàng của Việt Nam có thể xuất khẩu thông qua hệ thống bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail,... Tập đoàn AEON đã phối hợp Bộ Công thương, Sở Công thương Hà Nội hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Năm 2018, hàng Việt Nam xuất khẩu qua hệ thống AEON đạt 330 triệu USD, năm 2019 đạt 370 triệu USD và năm 2020 hướng đến mục tiêu đạt 450 triệu USD.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đang triển khai đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài”. Sở sẽ tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp với hệ thống phân phối và xây dựng kho ngoại quan ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu…

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) mới đây đã chính thức có hiệu lực. Cùng với các Hiệp định thương mại tự do được ký trước đó, đây chính là nền tảng để các doanh nghiệp tận dụng thúc đẩy xuất khẩu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, giảm thách thức mà các hiệp định này đem lại, Bộ Công thương, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn chuyên sâu, các cẩm nang tuyên truyền về quy tắc, nội dung của các hiệp định thương mại nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, đồng thời giúp doanh nghiệp hiểu rõ và tận dụng cơ hội, khai thác tốt thị trường.

Ngoài ra, TP. Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và có nhiều giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao. Đồng thời, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai hải quan điện tử, các giải pháp bảo đảm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu; giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan;…

Diệu Anh

Top