Gỡ “vướng” cho đầu tư tôn tạo các công trình văn hóa

13/07/2017 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Theo thống kê năm 2016, Hà Nội hiện có trên 5.922 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, trong đó có khoảng 2.200 di tích đang trong tình trạng báo động cần bảo tồn gấp. Tuy nhiên, thủ tục, hồ sơ cấp phép đầu tư và tu bổ tôn tạo các di tích quốc gia trên địa bàn Thành phố cũng còn có một số khó khăn về thủ tục cấp phép, việc tu bổ tôn tạo các di tích chủ yếu kêu gọi nguồn xã hội hóa dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hiện nay quy định chung về thủ tục bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, quy định việc tu bổ di tích phải lập thành dự án hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Trường hợp cần chống đỡ, gia cố, gia cường hoặc sửa chữa nhỏ để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại thì lập Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích.

Việc lập dự án, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thực hiện theo quy định Luật Di sản Văn hóa, Luật Xây dựng; ngoài ra, đối với dự án đầu tư sử dụng ngân sách các cấp còn phải thực hiện theo quy định Luật Đầu tư công.

Trước tình hình này, ngày 08/7/2016, UBND Thành phố Hà Nội sau khi rà soát thực trạng di tích, một số vướng mắc trong triển khai dự án tu bổ di tích đã trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế thực hiện đối với việc lập, thẩm định phê duyệt chủ trương dự án, dự án tu bổ di tích trên địa bàn Thành phố.

Cuối năm 2016, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, hướng dẫn cụ thể những nội dung được quy định tại Luật Di sản Văn hóa, Luật xây dựng, Luật Đầu tư công, góp phần làm rõ các bước thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích; trách nhiệm các cơ quan quản lý di tích trong việc đầu tư tu bổ di tích

Về kinh phí tu bổ Di tích, theo điều 58, Luật Di sản Văn hóa quy định nguồn kinh phí bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ các nguồn sau: Ngân sách nhà nước; các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa; nguồn tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Luật Di sản Văn hóa quy định nguồn xã hội hóa (bao gồm tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài) là một trong các nguồn lực tài chính thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do vậy, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp chính quyền có trách nhiệm bố trí kinh phí từ các nguồn lực, vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp để bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Các dự án (báo cáo kinh tế - kỹ thuật) thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa phải tuân thủ trình tự thực hiện đúng quy định pháp luật và Thành phố.

Minh Anh

Top