Hà Nội: 100% cửa hàng kinh doanh trái cây quận nội thành được cấp đăng ký kinh doanh

19/10/2018 5:45 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trao Bằng khen của UBND TP cho các tập thể. Ảnh: Thuỳ Linh

Ngay sau khi Đề án trái cây được phê duyệt, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các đơn vị, UBND các quận triển khai điều tra, khảo sát các cửa hàng kính doanh trái cây trên địa bàn theo các tiêu chí được xây dựng trong Đề án trái cây và tổng hợp được trên 1.076 cửa hàng. Hiện nay, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội hiện có tổng số 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ điều kiện (trong đó chia theo loại hình kinh doanh: 134 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 632 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây; chia theo hình thức kinh doanh: 180 hộ kinh doanh, 586 doanh nghiệp).

Qua 1 năm triển khai Đề án, đã có 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đã được cấp đăng ký kinh doanh (trước Đề án đạt 30%); 3.004/3.004 người đã thực hiện, đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 68%) 766/766 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 67%); 717/766 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây đạt tỷ lệ 93,6% (trước đề án đạt 50%); 766/766 cửa hàng có quầy, kệ trưng bày trái cây đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 84%); 733/766 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây đạt tỷ lệ 95,7% (trước đề án đạt 50%); 766/766 cửa hàng có thiết bị vệ sinh cơ sở đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 84%).

Tính đến thời điểm hiện tại, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đáp ứng được các yêu cầu của Đề án. UBND các quận đã thực hiện cấp biển nhận diện cho 766/766 cửa hàng, đạt tỷ lệ 100% theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố. Một số quận đã tích cực triển khai thực hiện đạt tỷ lệ 100% trước tháng 9/2018: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Ba Đình...

Ngoài ra, theo đề xuất của doanh nghiệp, Sở Công thương đã cấp biển nhận diện cho 23 siêu thị Fivimart thuộc Công ty cổ phần Nhất Nam đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại Đề án (đối tượng siêu thị không thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án cũng gặp phải không ít khó khăn như: Thời gian đầu triển khai một số hộ kinh doanh còn ngại các làm các thủ tục giấy tờ liên quan đến ĐKKD và ATTP, đặc biệt các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ trái cây... nên một số hộ đã chuyển đổi hình thức kinh doanh, số còn lại phải tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn nhiều lần. Đối với cấp quận, cấp phường đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, còn hạn chế về kiến thức chuyên môn nên quá trình triển khai thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn, còn phải đôn đốc nhắc nhở. Mặt khác, nguồn hàng cung cấp trái cây vàoThành phố được hình thành qua rất nhiều kênh: đường hàng không, đường bộ, qua các chợ đầu mối… lực lượng kiểm tra lại mỏng do đó công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây kinh doanh tại các cửa hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đánh giá Sở Công Thương Hà Nội và các đơn vị liên quan đã chủ động, tích cực triển khai Đề án. Công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ, quyết tâm cao, qua đó, đã có rất nhiều cửa hàng tham gia và đáp ứng các yêu cầu của Đề án. Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh, qua đó, bảo đảm các cửa hàng thực hiện nghiêm các quy định của Đề án, trở thành nguồn cung cấp trái cây chất lượng cho nhân dân. 

“Việc triển khai Đề án đã mang lại những hiệu quả thiết thực khi các cửa hàng kinh doanh lợi nhuận tăng từ 10% - 50%. Đây sẽ là động lực để nhân rộng việc triển khai Đề án bởi khi các cửa hàng được cấp logo nhận diện kinh doanh hiệu quả sẽ kích thích các chủ cửa hàng khác làm theo. Như vậy, góp phần thực hiện được mục đích là đem thực phẩm an toàn đến cho người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản yêu cầu Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, mở rộng việc thực hiện Đề án. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo việc các cửa hàng đã được gắn biển nhận diện thực hiện đúng các quy định. Đối với các cửa hàng vi phạm cần có biện pháp xử lý, khi tái phạm cần công khai đến dư luận, không để xảy ra tình trạng một cửa hàng làm sai ảnh hưởng đến các cửa hàng khác để bảo đảm lợi ích cho người kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

Thuỳ Linh

Top