Hà Nội: Cần đổi mới quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành

03/12/2020 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Để phát triển đô thị bền vững, bảo tồn giá trị văn hiến, khắc phục những tồn tại trong quá trình phát triển “nóng” của đô thị Hà Nội giai đoạn vừa qua, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải được đổi mới nâng cao theo hướng tích hợp đa ngành theo Luật Quy hoạch mới.

Một góc thành phố Hà Nội nhìn từ hướng Tây. Ảnh minh họa: Thùy Chi

Đặc biệt, việc đổi mới trong công tác quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành ở Thủ đô phải quan tâm đến yếu tố văn hiến, khai thác những tinh hoa văn hóa cha ông đưa vào quy hoạch kiến trúc.

Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm “Một số vấn đề cần đổi mới trong công tác quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành” do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức ngày 2/12.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội Nguyễn Văn Hải nêu, gần 20 năm trở lại đây, Hà Nội là thành phố phát triển, rất nhiều khu đô thị mới, đường mới được mở, làm thay đổi diện mạo đô thị, đời sống người dân được nâng cao tiệm cận với nhiều khu vực trên thế giới. Trong thành quả đó, công tác quy hoạch, kiến trúc góp phần quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác lập quy hoạch đô thị hiện vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ dẫn đến nhiều dự án vẫn trong trình trạng bỏ hoang, đầu tư xây dựng dở dang; ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn diễn ra…

Cùng quan điểm, KTS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng CDCC cho rằng, bên cạnh những bức tranh đẹp trong quá trình phát triển, quy hoạch nói chung và kiến trúc Hà Nội nói riêng còn xuất hiện mảng tối. Cụ thể, quy hoạch dự báo chậm và thiếu chính xác, không bắt kịp nhu cầu và phát triển của xã hội, các chỉ số về dân số, quy hoạch đất cây xanh, công trình công cộng, giao thông đô thị chỉ ở tầm nhìn ngắn hạn 5 năm - 10 năm là lạc hậu.

Bên cạnh đó, vẫn thiếu tính chủ đạo về tổ chức kiến trúc đô thị, gần như các nhà quản lý, nhà quy hoạch, kiến trúc sư đang thỏa hiệp và chiều lòng chủ đầu tư, không bảo vệ được tính khoa học đúng đắn, thẩm mỹ trong kiến trúc. Điều này dẫn đến nhiều tuyến phố mới mở nhưng bộ mặt đô thị vẫn lộn xộn nhếch nhác bởi các nhà xiên méo, nhà xây vượt tầng... Công trình xây dựng rất nhiều nhưng ít công trình quy mô tạo dấu ấn, biểu tượng đặc trưng cho thành phố, lại càng ít công trình được cấp chứng chỉ “xanh” quốc tế.

Theo KTS Vũ Hoài Đức (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội), việc đổi mới công tác quy hoạch đô thị theo hướng hợp nhất là cần thiết và tất yếu. Bởi tính ưu việt đã được khẳng định từ các thành công trên thế giới. Ở Việt Nam và Hà Nội, công tác quy hoạch chưa thực sự được lập theo cách hợp nhất, cho dù đã và đang dần có sự đề cập đến nhiều chủ đề thuộc các lĩnh vực ngoài kiến trúc xây dựng.

Tuy nhiên, vẫn là nội dung mang tính chuyên sâu của kiến trúc sư, kỹ sư. Việc đổi mới theo hướng có sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực sẽ khiến quy hoạch đô thị có tính liên ngành. “Tuy nhiên, phương pháp này cần một nhạc trưởng và các chuyên gia làm việc nhóm với tâm thế khoa học, dấn thân”, KTS Vũ Hoài Đức chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội Lê Văn Lân cho rằng, công tác quy hoạch trong giai đoạn mới hiện nay đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, dù có đổi mới như thế nào thì những người làm quy hoạch cần chú ý đến đặc thù của Hà Nội, đó là đô thị hơn nghìn năm văn hiến. Làm sao để bạn bè thế giới khi đến với Hà Nội không phải khen ngợi những công trình cao tầng, khu đô thị hiện đại, mà bị thu hút bởi hệ thống di sản. “Các nhà quy hoạch cần phải tạo được không gian cho di sản Hà Nội mãi mãi tồn tại”, ông Lân nhấn mạnh.

Thùy Chi

Top