Hà Nội có nhiều sáng kiến trong sắp xếp bộ máy hành chính

29/03/2017 5:06 PM

(Chinhphu.vn) - Trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, Hà Nội đã có nhiếu sáng kiến, mô hình mới theo đúng tinh thần tinh giản nhưng cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, bài bản khoa học không gây mất đoàn kết…, nhiều cách làm hay có thể nhân rộng cả nước.

Đó là đánh giá của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội với UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính giai đoạn 2011-2016 sáng 29/3.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong giai đoạn 2011-2016, TP. Hà Nội đã đạt nhiều kết quả rất tốt trong việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính. Bằng chứng thuyết phục nhất là kết quả chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội trong những năm qua của Thủ đô.

Về thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, sau sắp xếp năm 2016, Hà Nội đã tập trung tổ chức tinh gọn, bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả hơn.

Hà Nội đã rà soát 22 sở và 5 đơn vị tương đương; xác định lại chức năng nhiệm vụ đến từng phòng ban. Sau đó xắp xếp tổ chức lại bộ máy các đơn vị này. Các sở giảm từ 204 xuống 158 phòng; giảm 266 trưởng phòng và 116 phó phòng; các quận huyện giảm từ 169 còn 66 đơn vị sự nghiệp; giảm từ 71 xuống còn 41 ban quản lý dự án...

Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc tinh gọn, xắp xếp lại bộ máy ở sở ngành, quận huyện. Hiện nay, Hà Nội đang thí điểm chuyển đổi 10 đơn vị sự nghiệp công thành đơn vị cổ phần và cùng với cơ chế tự chủ đây sẽ là giải pháp căn bản để đạt mục tiêu giảm biên chế, nâng cao hiệu quả công việc. Để làm được điều đó, Hà Nội rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành để có cơ chế thực hiện.

Các sở, UBND quận, huyện, thị xã sau khi được kiện toàn, đã tập trung mạnh mẽ vào triển khai thực hiện: xây dựng, hoàn thiện các quy chế làm việc; quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đến năm 2020 cung cấp từ 70-80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Xác định tinh giản biên chế, đầu mối là khâu cơ bản để nâng cao hiệu quả bộ máy, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã xây dựng xong Đề án tinh giản biên chế; các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đều xác định bằng các biện pháp khác nhau giảm biên chế 10% đến năm 2021 và tuân thủ nguyên tắc chỉ tuyển dụng 50% số nghỉ hưu đúng tuổi và số đã nghỉ. Đến nay, thành phố đã giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108 của Chính phủ được 5 đợt với 297 trường hợp, trong đó công chức 47 trường hợp, viên chức 184 trường hợp, công chức cấp xã 66 trường hợp.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, coi trọng cải cách thủ tục trong nội bộ cơ quan hành chính thành phố. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, đề cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế của ngành mình, cấp mình.

Tại buổi làm việc, TP. Hà Nội đã nêu một số kiến nghị với Đoàn công tác như cần có cơ chế khuyến khích tự nguyện tinh giản biên chế. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cũng khẳng định, giảm biên chế là giảm chỗ thừa, người yếu nhưng vẫn phải tập trung cho chỗ cần…

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với các ý kiến tại buổi làm việc và nhấn mạnh, tinh giản biên chế không thể cào bằng, không thể chia đều các đơn vị phải giảm 10% mà tập trung vào những bộ phận còn thừa hoặc những khâu còn yếu. Ông Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị TP. Hà Nội xem xét, nghiên cứu phân cấp hơn nữa cho cơ sở để chủ động, sáng tạo và hiệu quả hơn trong tổ chức cơ cấu, tinh giản biên chế.

Gia Khánh

Top