Hà Nội có thể hạ mức cảnh báo về dịch sau 22/4

20/04/2020 8:45 PM

(Chinhphu.vn) - Nếu đến ngày 22/4, Hà Nội là địa bàn "nóng bỏng" nhất cả nước không phát hiện trường hợp ca nhiễm COVID-19 thêm nữa có thể sẽ hạ mức cảnh báo nhưng chắc chắn không thể "giải phóng" toàn bộ mà thực hiện từ từ, không thể gỡ hết việc cách ly xã hội.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Gia Huy

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 chiều 20/4.

Khuyến khích ca bệnh cách ly 30 ngày sau khi về nhà

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu các bài học từ tình hình dịch bệnh COVID-19 thế giới. Cụ thể là bài học ở Singapore khi chỉ nới lỏng đã trở thành một trong các nước có ca mắc lớn ở châu Á, nhiều ổ dịch mới phát sinh trong khi đất nước này chỉ có 5,7 triệu dân. Bài học thứ 2 là ở Hokaido-Nhật Bản đã tiến hành cách ly vào tháng 1, 2 nhưng cách đây 1 tuần đã phong tỏa chặt trở lại. Thứ 3 là bài học tại Đài Loan, Tokyo và một số vùng của Nhật Bản, đến nay các ca nhiễm mới tăng chóng mặt.

Tại Hà Nội có trường hợp bệnh nhân 188 dương tính trở lại sau khi ra viện, khi nhập viện lại xét nghiệm âm tính. Theo Chủ tịch Hà Nội, tình trạng này không có gì lạ bởi đến giờ này chưa có vaccine để chữa hoàn toàn, các nhà khoa học cũng xác định virus này có biến thể, việc dùng các loại thuốc mới chỉ tăng cường miễn dịch, kháng thể, virus này có thể vẫn nằm trong cơ thể và tăng trở lại...

Vì vậy, trong công tác tuyên truyền cần nắm được thông tin này, quan trọng là từ bài học này cho thấy tất cả trường hợp dương tính ra viện, khi đón về nhà phải tổ chức cách ly tiếp 14 ngày, việc này phải bảo đảm 100%. Thành phố khuyến khích các trường hợp dương tính về nhà nên cách ly trong 30 ngày cho an toàn.

Kinh nghiệm rút ra thứ 2 là các trường hợp từ nước ngoài về, sau khi rời khỏi trung tâm cách ly tập trung, đề nghị các địa phương tuyên truyền để các trường hợp này tiếp tục cách ly tại nhà bởi nếu không sẽ có nguy cơ tiềm tàng, hoàn toàn các trường hợp này đi ra ngoài có thể phát tán virus nếu có mà chính họ không biết. Các trường hợp này cần tiếp tục cách ly 14 ngày, khuyến khích việc cách ly kéo dài hơn.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng nêu, kể từ thời điểm bệnh nhân 266, đến nay Hà Nội sang ngày thứ 7 chưa phát hiện ca dương tính mới. Tuy nhiên đến giờ này, thế giới đang chạy đua với chế vaccine, chưa có hãng dược hoặc nước nào chế được vaccine đặc hiệu nên dịch vẫn nguy hiểm với thế giới và Việt Nam.

Từ tình hình này, nếu đến ngày 22/4, địa bàn Hà Nội là địa bàn "nóng bỏng" nhất cả nước không phát hiện trường hợp ca nhiễm nào có thể sẽ hạ mức cảnh báo nhưng chắc chắn không thể "giải phóng" toàn bộ mà thực hiện từ từ. Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, Thành phố sẽ có Chỉ thị hoặc kế hoạch thực hiện, nhưng chắc chắn không gỡ hết lệnh cách ly xã hội, đặc biệt là hoạt động đông người, nơi có nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín...

"Chúng ta không thể chủ quan với lây nhiễm bởi việc ủ bệnh mà không có triệu chứng có thể kéo dài hơn 30 ngày, vì vậy không chủ quan mà vẫn phải làm tốt công tác phòng, chống dịch", Chủ tịch TP. Hà Nội nêu và đề nghị một số biện pháp vẫn phải thực hiện bắt buộc như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người...

Phòng, chống dịch tiếp tục thực hiện trong thời gian dài

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch TP. Hà Nội khẳng định: "Phòng, chống dịch chắc chắn sẽ tiếp tục phải thực hiện trong thời gian dài. Giả sử dịch có hết, giảm mức độ lây nhiễm thì chúng ta vẫn phải tiếp tục. Trong thời gian tới không loại trừ sẽ có các ca nhiễm mới, lúc đó chúng ta sẽ vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhưng vẫn phải duy trì các hoạt động tối thiểu nhất".

Đồng ý với đề xuất của một số quận, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cho test nhanh tại chợ đầu mối Minh Khai, chợ Phùng Khoang. Giao Sở Y tế, phòng Y tế quận, huyện tiếp tục test nhanh cho tất cả các trường hợp tại đây. Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh: "Thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt ở 5 chợ đầu mối. Qua kết quả này, có thể đánh giá ở các đầu mối với lượng giao dịch lớn nhưng vẫn chưa phát hiện ca nghi ngờ".

Tuy nhiên, Chủ tịch TP. Hà Nội cũng cảnh báo: "Không có dương tính không có nghĩa là chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng để phòng chống dịch tốt. Đây mới là con số 0 về miễn dịch cộng đồng, chưa lây nhiễm ra cộng đồng. Chỉ khi xét nghiệm, có 60%-70% dân số trở lên có kháng thể trong cơ thể thì miễn dịch cộng đồng mới tốt, mới phòng ngừa được dịch".

Chủ tịch TP. Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các cửa hàng ăn uống, massage, karaoke; khuyến cáo người dân không đi tập thể dục... trên tinh thần cấm triệt để để thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ góp phần giúp công cuộc phòng, chống dịch đạt hiệu quả.

Nêu việc các chuyên gia của Bỉ đã phân tích sự nguy hiểm của các giọt bắn ở nơi công cộng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cảnh báo người dân về nguy cơ lây nhiễm Covid -19 khi tập thể dục nơi công cộng và nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu, thực hiện giãn cách xã hội mọi người ở trong nhà cũng bí bách nhưng chúng ta cần khắc phục vì chính mình và xã hội”.

Tại cuộc họp, Chủ tịch TP. Hà Nội đề nghị Sở Y tế cùng các quận, huyện rà soát toàn bộ công tác mua sắm trang thiết bị y tế thời gian vừa qua. Đồng thời tiếp tục triển khai mua sắm những trang thiết bị thiết yếu. Giao Sở Công thương chủ trì, thành lập đoàn liên ngành phối hợp Sở Tài chính, Công an Thành phố, rà soát, kiểm tra các đơn vị, nhất là các Bệnh viện; các đơn vị doanh nghiệp y tế cung cấp… đặc biệt, kiểm tra về đơn giá, giám sát, đảm bảo mua đúng, mua đủ.

Gia Huy

Top