Hà Nội đã sẵn sàng dự hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

07/05/2020 5:16 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 9/5 tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 điểm cầu các tỉnh/thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết sẽ chủ trì tại đầu cầu TP. Hà Nội và chỉ đạo UBND TP. Hà Nội tổ chức trực tuyến tới tất cả các quận, huyện, thị xã.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19, bắt đầu từ 8h sáng ngày 09/5/2020 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, các Bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, đây không phải dịp “than nghèo, kể khổ” mà là cần phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa đất nước tiến lên. Dự kiến sau hội nghị sẽ có sản phẩm cụ thể với hình thức phù hợp, có thể là một nghị quyết về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cho hội nghị sắp diễn ra, chuẩn bị tham luận, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 156/TB-VPCP ngày 15/4/2020.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2020 là năm cuối về đích của nhiệm kỳ 2016-2020, là năm để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tình hình kinh tế thế giới đang suy giảm, nhiều quốc gia, khu vực không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm, từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước và Hà Nội.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, các chỉ số phát triển kinh tế của Hà Nội đều giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh: Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4.329 triệu USD, giảm 4,7% cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 9.177 triệu USD, giảm 9,5%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ: Xăng dầu, điện thoại và linh kiện; hàng nông sản như gạo, cà phê; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện...

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ tăng 1,1%), trong đó: lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,4% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 0,9%.  

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm các đơn vị của Thành phố cần tiếp tục công tác chống dịch COVID-19 với tinh thần nới lỏng nhưng không được nơi lỏng. Bên cạnh đó, Thành phố chủ động xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp theo thẩm quyền nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành hướng dẫn, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại và triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế.

Trong đó Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, nhất là về tiếp cận đất đai và triển khai dự án. Tiếp tục rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến UBND TP. Hà Nội tháng 4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Sở Du lịch tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch ngay trong tháng 5; các đơn vị liên quan chuẩn bị Hội nghị xúc tiến đầu tư của Thành phố với doanh nghiệp vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Hòa An

Top