Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên trong năm 2020

11/12/2019 8:32 PM

(Chinhphu.vn) - Với chủ đề năm 2020: "Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”, mục tiêu phát triển kinh tế Hà Nội đặt ra là tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Gia Huy

27 chỉ tiêu kế hoạch năm 2020

Chiều 11/12, tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2020 của TP Hà Nội, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết năm 2020, Hà Nội thực hiện 27 chỉ tiêu: 1 chỉ tiêu về thu - chi ngân sách (HĐND TP giao trên 278 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với ước thực hiện năm 2019); 25 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội (thêm 3 chỉ tiêu so với Nghị quyết HĐND TP quyết nghị và kế hoạch năm 2019 gồm Giường bệnh/vạn dân, Bác sỹ/vạn dân, Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng); 1 chỉ tiêu về biên chế hành chính, sự nghiệp (đối với biên chế công chức, giảm 2% biên chế theo đúng Quyết định của Bộ Nội vụ; đối với biên chế viên chức, giảm 2% biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp ngoài giáo dục, y tế, tập trung chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ).

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, để thực hiện chỉ tiêu Thành phố giao thu ngân sách trên 278 nghìn tỷ đồng, các quận, huyện, thị xã cũng như các sở, ngành cần tổ chức triển khai ngay từ đầu năm. Dự toán chi phải bảo đảm khớp với đúng dự toán được giao về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi.

Việc phân bổ dự toán năm 2020 phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nguyên tắc của HĐND, UBND Thành phố đã thống nhất, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát kỹ các nhiệm vụ chi ngoài định mức khoán chi, không bố trí dự toán cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền nêu lưu ý chỉ tiêu cần tập trung như chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên. Để thực hiện chỉ tiêu này, các ngành và các địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển du lịch; các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; kiểm soát dịch bệnh...

Cũng theo ông Quyền, năm 2020 là năm cuối kỳ của kế hoạch 5 năm (2016-2020), qua theo dõi thì 3 chỉ tiêu: Giường bệnh/vạn dân; bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng là những chỉ tiêu cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt nên UBND Thành phố giao chỉ tiêu này để tập trung chỉ đạo nhằm hoàn thành kế hoạch đã đặt ra.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, năm 2020, UBND Thành phố đã tham mưu HĐND TP giảm 2% biên chế công chức theo đúng quyết định của Bộ Nội vụ; giữ ổn định biên chế viên chức giáo dục, y tế so với năm 2019, số nhu cầu tăng thêm năm 2020 do tăng học sinh, tăng giường bệnh sẽ được bổ sung sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2020, các đơn vị xây dựng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành, lĩnh vực, có phân công thực hiện và tiến độ hoàn thành cụ thể từng nhiệm vụ để tổng hợp trình UBND Thành phố ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2020.

Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Gia Huy

Ban hành chương trình hành động ngay sau Nghị quyết của Chính phủ

Tại hội nghị, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, năm 2020, Thành phố đã giao 27 chỉ tiêu phát triển KT-XH, biên chế, thu chi ngân sách. Vì vậy đề nghị các sở, ngành, quận huyện giao kế hoạch tới các đơn vị với tinh thần giao đủ, giao đúng và không thấp hơn các chỉ tiêu Thành phố giao.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, UBND Thành phố sẽ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Vì vậy, các đơn vị cần khẩn trương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2020. Tập trung chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu cuối nhiệm kỳ, đặc biệt là các chỉ tiêu dự báo còn khó khăn như: tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường thu hút nước ngoài, đầu tư tư nhân trong nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tăng quy mô vốn đầu tư xã hội.

Chủ tịch Thành phố đề nghị người đứng đầu các đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm, trọng tâm tập trung vào công tác thu ngân sách để đạt mức cao nhất và đôn đốc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019; đồng thời, chuẩn bị tổ chức cho nhân dân đón Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2020 an toàn, tiết kiệm và vui vẻ.

Tạo điều kiện cho cơ sở, tăng cường phân cấp

Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ năm 2020, lãnh đạo nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành cần phải quyết liệt, đồng bộ, cụ thể; hướng về và tạo điều kiện cho cơ sở; tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đối với tăng cường kiểm tra, giám sát, không được dàn trải mà phải có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào các mục tiêu, khâu đột phá, các nhiệm vụ chủ yếu. Thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2020 là năm “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”.

Đối với phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy yêu cầu cần tiếp tục tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn vốn, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có khả năng tạo ra các động lực phát triển mới cho kinh tế Thủ đô. Cụ thể như giải ngân vốn xây dựng, giải ngân vốn ODA và FDI; phát triển các khu, cụm công nghiệp mới; vực lại sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi lợn; phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…) để tạo nền tảng vững chắc cho khả năng hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của cả nhiệm kỳ của Thành phố từ 7,5% trở lên theo Kết luận số 22 của Bộ Chính trị.

Gia Huy

Top