Hà Nội đầu tư 48 dự án với tổng vốn đăng ký trên 74 nghìn tỷ đồng

25/06/2017 5:04 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức, hiệp hội, chính quyền của các tỉnh, thành phố trong nước và các quốc gia trên thế giới để cùng phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến lễ trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp-Ảnh Quang Hiếu

Doanh nghiệp luôn đồng hành cùng Thủ đô

Tại hội nghị “Hà Nội-Hợp tác, Đầu tư và Phát triển” tổ chức sáng 25/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong một năm qua, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư không chỉ giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn đồng hành cùng chính quyền Thành phố trong việc thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch TP Hà Nội, 26 nội dung cam kết trong hội nghị năm 2016 thuộc 10 chương trình với mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng là những việc làm thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô.

Thành phố đã trồng mới 310.000 cây xanh trong “Chương trình 1 triệu cây xanh”; lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí, 5 trạm quan trắc mặt nước, xây dựng Trung tâm điều hành quản lý, xử lý số liệu quan trắc môi trường góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước và người dân kịp thời giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; xây dựng công trình hạ ngầm dây viễn thông và điện lực tại 18 tuyến phố, tổng chiều dài trên 27,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng...

Hà Nội bước đầu có chuyển động và phát triển năng động, hiện đại. Tuy nhiên, theo Chủ tịch TP, đây mới là kết quả bước đầu và còn rất khiêm tốn. Để đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực vẫn luôn là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức.

Giai đoạn 2017-2020, Thành phố xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, hướng tới đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn khu vực và thế giới, trong đó tập trung 5 lĩnh vực: môi trường, nước sạch, y tế, giáo dục, giao thông, công viên-khu vui chơi giải trí.

Hướng tới xây dựng Thành phố thông minh, Hà Nội chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: số hóa đồng bộ cơ sở dữ liệu cốt lõi (gồm dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tư pháp, hộ tịch, cán bộ công chức...); hoàn thành hệ thống 1 cửa điện tử 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2017 trên 40% và đến năm 2020 là 70-80%; triển khai thực hiện bãi đỗ xe điện tử, quan trắc môi trường điện tử; xây dựng đô thị thông minh.

Đặc biệt, Hà Nội phấn đấu là thành phố tiên phong của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển giai đoạn 2017-2020, Hà Nội tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời khẳng định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của Thủ đô.

Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ mới

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước danh mục các dự án mà Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư với 17 dự án theo hình thức PPP và 119 dự án theo hình thức xã hội hoá.

Chủ tịch TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội-Hợp tác, Đầu tư và Phát triển”-Ảnh Mai Anh

Trong đó, 17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802,7 nghìn tỷ đồng thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, đô thị, môi trường, giáo dục. 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303,85 nghìn tỷ đồng thuộc các lĩnh vực: Công viên, cây xanh; môi trường (xử lý rác thải, nước thải); bãi đỗ xe; y tế (xây dựng bệnh viện); giáo dục (xây dựng trường); khu công nghiệp, cụm công nghiệp-làng nghề; trung tâm thương mại; trung tâm Logistic; hạ tầng du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế thông qua nhiều hình thức FDI, PPP, xã hội hóa,… tập trung vào các lĩnh vực: Xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; các dự án đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai, các bãi đỗ xe, bến xe; cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm Logistic; trung tâm thương mại, chợ đầu mối; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Hà Nội sẽ tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác và phát triển. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền TP. Hà Nội”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, Thành phố sẽ tiến hành trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74,37 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với Hội nghị năm 2016). Hà Nội cũng cùng các nhà đầu tư ký kết Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134,79 nghìn tỷ đồng.

Mai Anh-Việt Hà

Top